Chậm chi trả dịch vụ môi trường rừng

TRẦN HỮU 10/09/2013 08:14

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ triển khai kịp thời tại Quảng Nam đã giúp cộng đồng dân cư xem rừng được giao khoán như tài sản quý cần gìn giữ, bảo vệ. Thế nhưng, nhiều đơn vị có trách nhiệm “trả nợ” rừng vẫn cố tình chậm chi trả.

  • Yêu cầu 6 chủ đầu tư thủy điện trả tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng
  • Phú Ninh: 3 đơn vị phải chi trả dịch vụ môi trường rừng
  • Thêm nhiều đơn vị thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng
  • Đóng phí dịch vụ môi trường rừng: Vẫn còn tình trạng né tránh
Các nhà máy thủy điện cần sớm chi trả dịch vụ môi trường rừng.Ảnh: TRẦN HỮU
Các nhà máy thủy điện cần sớm chi trả dịch vụ môi trường rừng.Ảnh: TRẦN HỮU

Cơ chế hợp lý

Năm 2012, để việc chi trả DVMTR đúng tiến độ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giúp cho các thôn A Đền, A Dớ, A Zal, Trờ Gung, Tà Rèng (xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) có nhiều kiến thức, xác định ranh giới rừng. Ngoài ra, đơn vị này cũng hỗ trợ thành lập quỹ cấp thôn để phát triển sinh kế lâu dài cho đồng bào; tổ chức giao khoán rừng trên thực địa cho nhóm hộ. Dự án đã chuyển giao bộ ảnh viễn thám để điều tra tài nguyên rừng, xây dựng bản đồ vùng thí điểm phục vụ cho việc lập kế hoạch phát triển rừng cấp tỉnh. Theo đó, có 27 nhóm hộ gồm 303 hộ đã nhận giao khoán gần 7.000ha rừng. Trước đó, tổ chức Winrock đã giúp chính quyền Đông Giang xác định vùng ưu tiên thực hiện thí điểm chi trả DVMTR; rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp; các phương án cho thuê, giao khoán rừng và giao đất lâm nghiệp; xây dựng cơ chế chi trả và quy chế quản lý lao động. Chuyển biến rõ nét là hàng trăm hộ sau khi nhận rừng giao khoán đã thành lập tổ, nhóm canh gác, tuần tra nên đã phát hiện, ngăn chặn nhiều đối tượng xâm hại rừng.

Đến nay, Quỹ Phát triển – bảo vệ rừng đã chi trả tiền DVMTR gần 1,4 tỷ đồng cho các hộ, nhóm hộ tại 7 thôn của xã Ma Cooih, huyện Đông Giang (theo mô hình thí điểm). Hiện đơn vị đang bắt đầu chi trả cho 761 nhóm hộ (14.881 hộ) với diện tích 172.000ha theo các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo lãnh đạo Quỹ Phát triển – bảo vệ rừng, hiện 7 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực hồ thủy điện gồm thủy điện A Vương - Za Hung, Sông Tranh - Tà Vi - Trà Linh 3, Đắk Mi 4, Khe Diên, Sông Côn 2, An Điềm - An Điềm 2 và Phú Ninh đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích tự nhiên hơn 319.574ha, diện tích có rừng 181.172ha. Trong đó, diện tích thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng là 160.000ha, còn lại do UBND các xã quản lý. Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Phát triển - bảo vệ rừng nhận xét, nguồn hỗ trợ của các dự án Winrock, ADB đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị có điều kiện tổ chức thí điểm và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, đặt biệt là khâu giao khoán rừng theo phương pháp tiếp cận cộng đồng nhóm hộ.

Chưa kịp thời

Khó khăn nhất khi chi trả DVMTR ở Quảng Nam là hầu hết diện tích rừng có cung ứng DVMTR là rừng tự nhiên lâu nay chưa lập hồ sơ giao khoán cho các hộ dân bảo vệ; kinh phí giao khoán rừng cũng khá lớn nhưng chưa có nguồn để bố trí vốn. Trong khi đó, đơn giá giao khoán bảo vệ rừng các lưu vực chênh lệch nhau khá lớn nên thu nhập của các hộ dân sẽ không được công bằng, khiến tâm lý người nhận giao khoán so bì quyền lợi. Thêm vào đó, một số nhà máy thủy điện và các công ty cấp thoát nước dù đã đàm phán nhưng kéo dài việc ký kết hợp đồng ủy thác và chậm chi trả DVMTR. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết, chi phí DVMTR chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất của các đơn vị có nghĩa vụ “trả nợ” rừng, nhất là các nhà máy thủy điện không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
 Còn nhớ cách đây gần 2 tháng, UBND tỉnh đã công bố danh sách 6 doanh nghiệp sản xuất thủy điện chưa chịu “trả nợ” rừng. Trong đó, yêu cầu các công ty Cơ khí áp lực Mạnh Nam (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Tà Vi, huyện Bắc Trà My) và Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ Duy Sơn 2 (chủ Nhà máy thủy điện Duy Sơn 2, Duy Xuyên) phải ký kết hợp đồng, nộp tiền ủy thác chi trả DVMTR trước ngày 10.8. Bốn doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng ủy thác nhưng chưa nộp tiền DVMTR gồm Công ty CP Sông Ba (Nhà máy thủy điện Khe Diên, Nông Sơn), Công ty CP Xây dựng 699 (Nhà máy thủy điện Trà Linh 3, Nam Trà My), Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (Nhà máy Thủy điện Sông Kôn 2) và Công ty CP Thủy điện Sông Vàng (Nhà máy thủy điện An Điềm 2, cùng huyện Đông Giang). Thế nhưng, theo báo cáo của Quỹ Phát triển – bảo vệ rừng, đến tháng 9 này, Công ty CP Thủy điện Sông Vàng vẫn chưa nộp tiền 3 năm liền (2011-2013). Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn chưa nộp tiền năm 2013, chỉ chi trả 50% tiền của năm 2012. Công ty CP Xây dựng 699 đã có văn bản cam kết sẽ nộp đủ tiền của năm 2011, 2012 chậm nhất vào ngày 30.12.2013. Công ty CP Sông Ba chưa thực hiện chi trả trong năm 2013.

Một bất cập khác, trước đây Bộ Công Thương đã có văn bản về tiền DVMTR đối với các nhà máy thủy điện có công suất từ 30MW trở xuống có một số nội dung chưa phù hợp với Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR nên các nhà máy thủy điện Za Hung, An Điềm II vin vào văn bản này đã không nộp tiền ủy thác năm 2011 và 2012. Cạnh đó, việc thu tiền gặp khó khăn do các nhà máy thủy điện dây dưa. Tính đến hết quý 2/2013, Quỹ Phát triển – bảo vệ rừng thu được gần 23 tỷ đồng (gồm thu nợ năm 2012, thu trồng rừng thay thế, thu nạp chậm, thu lãi suất ngân hàng), chỉ đạt 22,5% kế hoạch năm.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO