Nhiều địa phương đang gặp vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, đến nay vẫn chưa thực hiện thanh quyết toán cho các cơ sở y tế, giải quyết chế độ hỗ trợ chống dịch cho y bác sĩ...
Bất cập trong xác minh đối tượng
Đại diện Phòng Tài chính thị xã Điện Bàn cho biết, tổng nguồn lực huy động từ nguồn ngân sách nhà nước để chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 các năm 2020 đến 2022 hơn 121 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn dự phòng thị xã đã sử dụng hơn 69 tỷ đồng, nguồn tỉnh mới cấp bổ sung hơn 13 tỷ đồng và địa phương đã kiến nghị tỉnh tiếp tục cấp bổ sung hỗ trợ, nhưng đến nay kinh phí vẫn chưa được phân bổ.
Bên cạnh đó, Điện Bàn gặp lúng túng khi thực hiện Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh về việc xác định ngành nghề, đối tượng lao động để được thụ hưởng chính sách, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong người dân.
Theo đó, khi yêu cầu các địa phương liệt kê các ngành nghề cụ thể bị tạm dừng tại các quyết định cách ly, phong tỏa của các cấp có thẩm quyền, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, phải tạm dừng phát sinh trong thực tế nhưng không được hỗ trợ vì không được địa phương liệt kê cụ thể.
Điều này gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ, dẫn đến việc người dân khiếu nại. Điện Bàn hiện còn 11.150 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, với số tiền dự tính hơn 17,2 tỷ đồng nhưng chưa được hỗ trợ.
Nhiều địa phương cũng đang gặp phải vướng mắc, bất cập do quy định hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đặc thù của công tác phòng chống dịch. Một số nội dung chi theo quy định của Trung ương chưa cụ thể về đối tượng, mức chi, nguồn kinh phí thực hiện nên khó khăn trong việc hướng dẫn các đơn vị trực thuộc.
Một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ tiền ăn cho người cách ly y tế chậm được ban hành so với thời gian triển khai thực hiện do tính cấp bách của phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Chậm thanh toán cho cơ sở y tế
Việc thanh toán chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu hiện nay quá chậm là thực trạng ở nhiều nơi. Đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết, Sở Tài chính dự toán hỗ trợ bệnh viện 1,7 tỷ đồng chi chế độ cho các y bác sĩ tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch, nhưng đến nay cơ sở này vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Trong khi đó, đối với cơ sở y tế tư nhân, khi được huy động tham gia công tác phòng chống dịch, hiện nhiều nơi vẫn chưa được thực hiện thanh quyết toán.
Cụ thể, thị xã Điện Bàn đã huy động Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức thực hiện công tác khám chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung được UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, cơ chế thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí điều trị cho bệnh viện chưa được hướng dẫn cụ thể.
“Hiện nay, thị xã không có chuyên môn để thẩm định các nội dung liên quan đến công tác điều trị, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền” - đại diện Phòng Tài chính thị xã Điện Bàn chia sẻ.
Tổng số kinh phí Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đề nghị hỗ trợ là hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức hơn 3,4 tỷ đồng.
Tương tự, tại huyện Núi Thành, lực lượng hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở cơ sở thu dung của huyện do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam phụ trách vẫn chưa được nhận hỗ trợ.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đang tổ chức đợt giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các địa phương để ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, bất cập ở cơ sở.
Ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, qua đợt giám sát sẽ nắm bắt tình hình thực hiện và một số khó khăn, vướng mắc của các địa phương để đề xuất hướng giải quyết trong giai đoạn tới.