Chậm đột phá trong trồng rừng gỗ lớn

TRẦN NGUYỄN 09/11/2018 02:55

Trung ương và Quảng Nam cho ra đời hàng loạt cơ chế khuyến khích chủ rừng, người dân trồng rừng gỗ lớn, nhưng chính sách vẫn chưa đi vào đời sống.

Tại thời điểm này, việc hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nằm trên giấy. Ở cấp Trung ương, Quyết định số 147/2007/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 được xem là chính sách đầu tiên khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Sự liên kết, hợp tác lỏng lẻo của  4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) đã khiến dở dang giấc mơ rừng gỗ lớn. Ngoại trừ vài doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC thì rất ít người trồng rừng đeo đuổi mục tiêu này. Năm 2017, chỉ có 49 hộ dân tại xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) được cấp hơn 237ha rừng đạt chuẩn FSC. Nhưng tất cả diện tích rừng trồng này trước đây đều do dự án KFW6, WB3 hỗ trợ, chứ không phải người dân tự đầu tư toàn bộ.

Theo dự thảo đề án trồng rừng gỗ lớn của Sở NN&PTNT, điều kiện để hỗ trợ là hộ/nhóm hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích trồng rừng; đất trồng rừng tham gia cấp chứng chỉ FSC là đất không bị tranh chấp. Hộ trồng rừng tự nguyện tham gia và cam kết tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn FSC, trong đó có các tiêu chí bắt buộc không sử dụng thuốc hóa học nằm trong danh mục cấm của Việt Nam và FSC; không xử lý thực bì bằng cách ủi trắng, không dùng thuốc diệt cỏ, không đốt thực bì; bảo vệ và duy trì vùng đệm và sinh cảnh dễ bị tổn thương; nghiêm cấm xâm lấn rừng tự nhiên. Nguồn giống sử dụng phải có xuất xứ, rõ ràng và chịu sự kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của cơ quan chức năng. Trong khi đó, phần lớn người dân tự trồng rừng đều sử dụng cây giống trôi nổi trên thị trường. Đối tượng được hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn được “khu biệt” trong phạm vi rất hẹp. Chẳng hạn như chỉ hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng cho các hộ/nhóm hộ có diện tích rừng trồng tập trung tại các xã của các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My đã tham gia thực hiện dự án WB3, KFW6 có khả năng đáp ứng đủ các điều kiện về FSC (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được tập huấn kỹ thuật lâm sinh, kỹ năng quản lý rừng bền vững...).

Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, dự án đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng sản xuất phát triển cây giống lâm nghiệp... thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (như được miễn giảm 70% tiền sử dụng đất, nếu thuê đất được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu...). Tuy nhiên, quỹ đất lâm nghiệp tập trung quy mô lớn của tỉnh để trồng mới rừng sản xuất không còn; quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ nhỏ lẻ, phần lớn mỗi hộ chỉ có 1 - 2ha. Vướng mắc nhất của các huyện miền núi hiện nay là công tác giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân còn rất chậm, nên nhiều chủ rừng không thể vay vốn sản xuất kinh doanh rừng.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm đột phá trong trồng rừng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO