Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc Quảng Nam quyết định chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 (chủ đầu tư); thậm chí có ý kiến còn bày tỏ lo ngại, quyết định nêu trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, làm mất lòng tin trong cộng đồng doanh nghiệp. Vậy, vụ việc này cần hiểu như thế nào?
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn phát biểu tại cuộc họp.Ảnh: H.P |
Nhiều tài liệu của UBND tỉnh, các ngành chức năng và thông tin chính thức tại cuộc họp ngày 7.11, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì với sự tham gia của các ngành chức năng, báo chí và chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4, đã làm rõ nhiều vấn đề chung quanh quá trình triển khai dự án.
Nhà đầu tư vi phạm cam kết, xây dựng công trình trái phép
Năm 2003, dự án thủy điện Đăk Di 4 thuộc xã Trà Mai (Nam Trà My) được UBND tỉnh cho phép Công ty CP Cung ứng đầu tư và xây lắp, sau này là Công ty CP SIC và nay chuyển cho Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 nghiên cứu đầu tư. Năm 2008, theo đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu phải khởi công công trình trong quý IV.2009, nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện. Năm 2014, sau khi rà soát, Bộ Công Thương thông báo thủy điện Đăk Di 4 nằm trong danh sách các dự án thủy điện phải tạm dừng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, chủ trương nhất quán của Quảng Nam trong chính sách thu hút đầu tư là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn nhưng phải thượng tôn pháp luật. Trong số 42 dự án thủy điện đã, đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh, thời điểm này chỉ có mỗi dự án thủy điện Đăk Di 4 lập “kỷ lục” về thời gian kéo dài nghiên cứu đầu tư dự án. Việc thu hồi chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đắk Di 4 cũng là cách minh bạch về môi trường đầu tư, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Nam. |
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Công ty CP SIC được phép triển khai dự án trong năm 2015 và được bộ này thống nhất. Năm 2016, UBND tỉnh thống nhất cho chuyển chủ đầu tư từ Công ty CP SIC sang Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện, nhưng doanh nghiệp này đã vi phạm cam kết. Xét thấy doanh nghiệp không đủ năng lực, ngày 17.3.2017, UBND tỉnh ra văn bản chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4, chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án trên.
Theo Sở Công Thương, nhà đầu tư nộp tiền ký quỹ 1,2 tỷ đồng vào ngày 9.8.2016 và nộp đủ số tiền 3,84 tỷ đồng vào ngày 1.9.2016 không phải là chậm 25 ngày so với quy định mà là vi phạm cam kết đầu tư sau khi đã được gia hạn. Điều đáng nói, dự án mới chỉ cho phép nghiên cứu đầu tư, nhưng nhà đầu tư đã xây dựng một số hạng mục như mở đường, san lấp mặt bằng xây dựng công trình tạm… Theo Sở Xây dựng, việc làm này vi phạm Luật Xây dựng, Luật Đất đai. Ngày 12.9.2016, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu tạm dừng các công việc xây dựng trên thực địa dự án thủy điện Đăk Di 4, bởi chưa có quyết định chủ trương đầu tư, chưa có hồ sơ dự án - thiết kế cơ sở được duyệt, chưa có giấy phép xây dựng.
UBND tỉnh cho rằng, năng lực tài chính của nhà đầu tư là Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 rất hạn chế. Với tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 614 tỷ đồng và tổng mức đầu tư hạng mục lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện khu vực Nam Trà My dự kiến khoảng 200 tỷ đồng (tại thời điểm báo cáo), tổng 2 dự án là 814 tỷ đồng và yêu cầu vốn tự có của nhà đầu tư phải đảm bảo 30% (ít nhất là 244,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, tại thời điểm báo cáo, nhà đầu tư chưa cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh vốn tự có để thực hiện dự án thủy điện Đăk Di 4 (báo cáo tài chính đã kiểm toán, giấy xác nhận số dư tại ngân hàng...).
Theo ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 là đúng với các quy định của pháp luật. Trong đó có nguyên nhân công ty không thực hiện đúng các cam kết về ký quỹ và nộp tiền ký quỹ theo Bản cam kết tiến độ thực hiện dự án ký ngày 14.4.2016 và phụ lục Bản cam kết tiến độ thực hiện dự án ký ngày 6.7.2016. Tại thời điểm này, Sở TN&MT vẫn chưa nhận bất cứ hồ sơ thủ tục nào liên quan đến đất đai dự án này.
Cần thiết, đúng luật
Tại cuộc họp ngày 7.11, đại diện lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 cho rằng, công ty nộp tiền ký quỹ đầy đủ nhưng chậm so với cam kết. Dự án chậm triển khai là do trước đây động đất xảy ra liên tục tại địa bàn Bắc Trà My nên ngân hàng không cho công ty vay, chứ không phải doanh nghiệp hạn chế về năng lực tài chính! Việc công ty thỏa thuận bồi thường với người dân là từ thông báo chủ trương thu hồi đất của UBND huyện Nam Trà My. Theo nhà đầu tư này, sở dĩ kéo dài dự án là các yếu tố khách quan, thời tiết miền núi, tình hình động đất…
Đại diện Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 cho rằng nhà đầu tư kéo dài dự án là do các yếu tố khách quan. |
Một điểm đáng lưu ý khi có thông tin cho rằng, dự án buộc phải dừng đã làm cho 600 công nhân thất nghiệp. Về điều này, UBND tỉnh khẳng định, đây là thông tin không đúng sự thật, bởi việc thi công các hạng mục tại dự án là trái phép. Cạnh đó, việc góp vốn đầu tư đường dây 110kV và trạm biến áp đấu nối các dự án thủy điện khu vực huyện Nam Trà My của các nhà đầu tư khác không liên quan đến Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4.
Cần nói rõ hơn, dự án đầu tư đường dây 110kV và trạm biến áp đấu nối các dự án thủy điện khu vực huyện Nam Trà My do các chủ đầu tư cụm thủy điện khu vực Nam Trà My tự nguyện góp vốn đầu tư với tiến độ cam kết là đến tháng 6.2020 hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng. Việc nộp tiền vào tài khoản ngân hàng là do các chủ đầu tư (không bao gồm Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4) thỏa thuận và thống nhất để Sở Công Thương theo dõi, quản lý về tiến độ và giá trị tiền nộp của các chủ đầu tư; thông qua đó, giám sát, đánh giá được năng lực thực hiện thực tế của các chủ đầu tư…
“Dù tạo điều kiện nhưng nhà đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, phương án thu hồi đất, thỏa thuận địa điểm đầu tư, hạn chế năng lực tài chính nên UBND tỉnh thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư đối với thủy điện Đăk Di 4 là đảm bảo theo quy định, hợp tình, hợp lý. Việc này chúng tôi đã nghiên cứu, cân nhắc và thực hiện rất chặt chẽ”. - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn quả quyết.
HỮU PHÚC