Chậm giải ngân vốn đóng tàu cá

NGUYỄN QUANG VIỆT 28/11/2016 08:37

Kết luận tại buổi làm việc được UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu các địa phương ven biển, ngành thủy sản, ngư dân và các ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89).

Quảng Nam đã có 37 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 89 đi vào sản xuất. Ảnh: Q.VIỆT
Quảng Nam đã có 37 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 89 đi vào sản xuất. Ảnh: Q.VIỆT

Ì ạch

Hơn 2 tháng vừa qua chỉ có thêm 2 hợp đồng tín dụng theo Nghị định 89 được ngân hàng thương mại ký kết với ngư dân. TP.Hội An được UBND tỉnh phân cấp 5 chỉ tiêu đóng mới tàu cá (4 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ thép) nhưng mới chỉ thực hiện xong 1 chỉ tiêu đóng mới tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam). Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An thừa nhận, không thể hoàn thành chỉ tiêu được giao bởi các ngân hàng thương mại đều khước từ 4 hồ sơ vay vốn còn lại của ngư dân. Trong đó, mới nhất là trường hợp của ngư dân Cao Văn Quang (phường Cửa Đại), dù đã chạy đôn chạy đáo trong gần 2 năm qua nhưng ngân hàng không chấp nhận hồ sơ bởi cho rằng phương án giải ngân vốn đối ứng không phù hợp. Cụ thể, ông Quang cam kết sẽ giải ngân vốn đối ứng theo từng phần cùng lúc với ngân hàng nhưng phía ngân hàng đòi hỏi phải gửi toàn bộ vốn đối ứng trước rồi mới tính chuyện ký hợp đồng và giải ngân vốn đóng tàu. Ông Tường đề xuất với UBND tỉnh xóa tên cả 4 trường hợp ngư dân ra khỏi danh sách đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 89 và đề nghị chuyển 4 chỉ tiêu phân bổ cho TP.Hội An sang địa phương khác. Trong khi đó, thị xã Điện Bàn được UBND tỉnh giao 1 chỉ tiêu đóng mới tàu vỏ gỗ nhưng vẫn bế tắc. Địa phương hứa hẹn sẽ làm việc trực tiếp với ngân hàng thương mại và nếu vẫn không khả thi thì cũng xin… nhường lại chỉ tiêu này cho địa phương khác. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đề nghị Sở NN&PTNT cập nhật lại danh sách các ngư dân hưởng ưu đãi tín dụng đóng tàu để có thể cân đối lại các chỉ tiêu phân bổ, xóa các trường hợp nào và thêm cho địa phương nào.  

Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt đủ danh sách 92 ngư dân đáp ứng các điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 89; đã có 56 hồ sơ vay vốn được ngân hàng thương mại ký hợp đồng đóng tàu, trong số đó đã có 37 tàu cá đóng mới đi vào sản xuất. Quảng Nam cũng đã phê duyệt 17 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn, hoạt động xa bờ nhưng mới chỉ có 1 tàu nâng cấp máy chính đi vào sản xuất. Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy mới chỉ có 10% số tàu vỏ thép sản xuất hiệu quả trong thời gian qua. Trên các tàu vỏ thép, công năng của các thiết bị hiện đại như tời kéo lưới trọng lượng lớn, máy quét cá, trang thiết bị hàng hải chưa phát huy hiệu quả.

Trong hơn 2 tháng qua, cũng chỉ có thêm 4 tàu cá được hạ thủy, bàn giao để ngư dân đi vào sản xuất trên các vùng biển xa, tăng từ 33 lên 37 tàu cá. Đáng nói hơn là trong khoảng thời gian này, nhiều nội dung kết luận của UBND tỉnh ở lần làm việc trước chưa được các địa phương ven biển và ngân hàng thực hiện. Có trường hợp ngân hàng thương mại “ngâm” hồ sơ vay vốn của ngư dân hàng năm trời mà không có văn bản trả lời cụ thể theo yêu cầu của UBND tỉnh. Trong khi hồ sơ vay vốn của ngư dân không được ngân hàng giải quyết thỏa đáng thì địa phương chưa vào cuộc, làm việc với ngân hàng để giải quyết sự việc. Hiện tại, Quảng Nam vẫn còn đến 36 chỉ tiêu đóng tàu theo Nghị định 89 chưa được ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng tín dụng. Trong số đó, Thăng Bình còn 16, Núi Thành còn 12, Điện Bàn còn 1, Duy Xuyên còn 3 và TP.Hội An còn 4. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu các địa phương ven biển phải có tiếng nói với ngân hàng thương mại, bảo vệ quyền lợi ngư dân, đề xuất giải pháp cụ thể với tỉnh chứ không bị động chờ tỉnh chỉ đạo rồi làm theo.  

Chưa hết rắc rối   

Đến ngày 31.12 tới đây, Nghị định 89 sẽ ngưng triển khai, Bộ NN&PTNT tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện rồi mới tiếp tục triển khai với nhiều nội dung bổ sung hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên, bất cập về hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) sẽ không được Trung ương giải quyết cho ngư dân. Cụ thể, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT. Vậy nhưng, trong giá thành hàng hóa của các cơ sở đóng tàu, các cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ và các cơ sở cung ứng máy móc, thiết bị ngư nghiệp vẫn tính thuế GTGT. Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng họ gặp quá nhiều vướng mắc khi giải quyết cho ngư dân vay phát sinh khoản thuế GTGT khi ngư dân không được Nhà nước hoàn lại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng nguyên nhân của việc này là không đồng bộ trong triển khai nghị định của các ngành, các cấp, các địa phương ven biển. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát lại danh sách ngư dân phải chịu thuế GTGT, làm việc cụ thể với Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lại, giúp ngư dân yên tâm sản xuất.  

Thời gian triển khai đóng tàu theo Nghị định 89 đã lâu, tuy nhiên bất cập về thiết kế đóng tàu vỏ thép vẫn chưa thể giải quyết khiến ngư dân bị thiệt thòi. Một số chủ tàu vỏ thép trên địa bàn huyện Núi Thành đã phải tự bỏ vốn thay máy tời kéo lưới vì hệ thống này chịu lực quá kém. Ngư dân huyện Thăng Bình rất vất vả khi sản xuất với tàu vỏ thép, có trường hợp không thể hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi mà tàu vỏ gỗ vẫn hoạt động được. Đáng nói là đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã tăng 5 mẫu thiết kế tàu vỏ thép (từ 21 lên 26 mẫu) nhưng vấn đề nói trên vẫn chưa được giải quyết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu các địa phương ven biển, ngành thủy sản, ngư dân, các ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ rà soát lại các lỗi thiết kế ngư dân gặp phải, tổng hợp đề nghị Bộ NN&PTNT sửa đổi, hoàn thiện tại buổi sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 89 sắp tới. Trước mắt, phải trích nguồn ngân sách hỗ trợ ngư dân của tỉnh để hỗ trợ ngư dân sửa đổi thiết kế, khắc phục sự cố.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm giải ngân vốn đóng tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO