Chậm giải phóng mặt bằng cho dự án vùng đông

TRẦN HỮU 14/06/2018 13:20

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và nhiều dự án khu tái định cư ở vùng đông lại chậm tiến độ bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho nhà đầu tư và công tác quản lý hiện trạng đất đai.

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.H
Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.H

Dang dở các khu tái định cư

Để bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đặc biệt là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, tái định cư (TĐC) phải đi trước một bước, nhưng thực tế cho thấy công tác này thậm chí đi sau dự án của doanh nghiệp. Nhận nhiệm vụ kiểm kê, bồi thường ít nhất 7 dự án xây dựng khu TĐC, khu nghĩa trang ở vùng đông Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, nhưng báo cáo của Công ty CP Đầu tư - phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam cho thấy dự án nào cũng vướng mắc mặt bằng, chật vật trong quá trình thu hồi đất. Khu TĐC Duy Hải giai đoạn 2, triển khai từ tháng 4.2016, quy mô diện tích dự án gần 41ha, với chi phí bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 88 tỷ đồng; nhưng tại thời điểm giữa tháng 5.2018, mới chi BT hơn 29 tỷ đồng, GPMB khoảng 20ha. Tương tự, khu TĐC Duy Hải giai đoạn 3 dự kiến chi phí GPMB hơn 134 tỷ đồng để thực hiện diện tích gần 44ha, nhưng thời điểm này mới chi hơn 37,2 tỷ đồng để có quỹ đất sạch 20ha. Khu TĐC Sơn Viên cũng triển khai hơn 2 năm nhưng mới thực hiện GPMB khoảng một nửa diện tích dự án là hơn 18ha.

Giẫm chân tại chỗ là dự án khu TĐC Nồi Rang (xã Duy Hải) sau hơn 2 năm nhưng chỉ mới chi BT 2 tỷ đồng, trong số 81,2ha dự án thì mới GPMB được 8ha. Quy mô của dự án khu TĐC này bố trí 1.417 lô nhưng hiện mới hoàn thành 79 lô.  Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam Huỳnh Bửu cho rằng, cản lực lớn nhất hiện nay ở vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình chính là công tác GPMB. Chính quyền địa phương quản lý thiếu chặt chẽ hiện trạng đất đai, tình trạng lén lút cơi nới, xây dựng trái phép đã làm phát sinh nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian và mất nhiều công sức khi thu hồi đất của người dân bị ảnh hưởng.

Theo thông báo kết luận ngày 2.4.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tại buổi làm việc với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An về triển khai dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, tiến độ BT, GPMB, bàn giao hơn 985ha đất cho chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An chậm nhất đến cuối năm 2020. Sau thời hạn nêu trên, trường hợp còn diện tích đất chưa bàn giao cho nhà đầu tư do GPMB, các bên lập thủ tục quyết toán phần chi phí BT, GPMB, tiền sử dụng đất đã thực hiện và đàm phán, thỏa thuận thời gian thực hiện, xác định lại tiền sử dụng đất phải nộp đối với phần diện tích còn lại theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Trong diện tích hơn 70ha thực hiện GPMB trước năm 2015, đến nay vẫn còn 6 hộ ở xã Bình Dương (Thăng Bình) và 2 hộ ở xã Duy Hải chưa bàn giao mặt bằng. Trong phạm vi giai đoạn 1 của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (183ha), còn 16,5ha chưa được GPMB. Đáng chú ý, có 53 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đánh giá, tiến độ GPMB dự án quá chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Đến nay mới GPMB hơn 296ha, trong đó bàn giao cho nhà đầu tư hơn 267ha; còn lại hơn 29ha chưa bàn giao do không liền khoảnh, liền thửa.

Chạy đua với thời gian

Trong các văn bản chỉ đạo gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền huyện Duy Xuyên chỉ đạo tổ công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng của huyện phối hợp với UBND các xã Duy Hải, Duy Nghĩa vận động, yêu cầu các hộ có công trình xây dựng vi phạm (trong đó có 43 trường hợp ở khu D) tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép để bàn giao mặt bằng. Trường hợp các hộ không chấp hành thì phải kiên quyết tháo dỡ. UBND các xã Duy Hải, Duy Nghĩa phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức làm việc với các trường hợp đến nay chưa đồng ý nhận tiền theo phương án BT và các trường hợp đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao để giải thích rõ các quy định, chính sách, yêu cầu các hộ chấp hành bàn giao mặt bằng trước ngày 20.6.2018.

Với trường hợp chủ đầu tư Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An có nhu cầu tiếp tục thực hiện đầu tư trong phạm vi khu đất 125ha của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (không hoán đổi vị trí để đầu tư dự án khác trên địa bàn huyện Thăng Bình), UBND tỉnh thống nhất giao UBND huyện Duy Xuyên rà soát, lập thủ tục đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất phần diện tích này để thực hiện việc thu hồi đất và BT, GPMB trong giai đoạn 2018 - 2020. Về việc xây dựng các khu TĐC phục vụ GPMB dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu Sở Xây dưng phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh, tham mưu UBND tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung nội dung chủ trương đầu tư các dự án xây dựng khu TĐC trước đây đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam làm chủ đầu tư (như các khu TĐC Sơn Viên, Nồi Rang, Duy Hải giai đoạn 2 - giai đoạn 3, ven biển Bình Dương) để tiếp tục triển khai thực hiện.

Về đầu tư xây dựng khu nghĩa trang vùng đông Duy Xuyên Thăng Bình, UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai rà soát lại nhu cầu cần thiết để lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, thực hiện từ nguồn vốn của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An ứng trước vào ngân sách tỉnh, gửi Sở Kế hoạch và đầu tư thẩm định để tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh chấp thuận triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục. Đối với phần diện tích 70,3ha thực hiện GPMB trước năm 2015, UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam rà soát, xác định phần diện tích đã giải phóng thực tế, bàn giao cho nhà đầu tư, lập hồ sơ quyết toán chi phí, phối hợp với Công ty Phát triển Nam Hội An lập thủ tục trình điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Phần diện tích còn lại, nhà đầu tư dự án khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở xác định đơn giá giao, cho thuê đất và giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm giải phóng mặt bằng cho dự án vùng đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO