Chậm gỡ vướng mắc quyền sử dụng đất lâm nghiệp

TRẦN NGUYỄN 23/08/2018 05:48

Vì chậm điều chỉnh biến động, sai lệch giữa hồ sơ, bản đồ địa chính với thực tế sử dụng đất nên các huyện miền núi vẫn chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) lâm nghiệp cho người dân.

 Các huyện miền núi vẫn xoay xở chậm trong công nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Ảnh: T.N
Các huyện miền núi vẫn xoay xở chậm trong công nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Ảnh: T.N

Theo thống kê của UBND huyện Phước Sơn, tính đến đầu năm 2018, diện tích đất lâm nghiệp do cộng đồng dân cư quản lý trên địa bàn là 2.655ha nhưng địa phương chưa giao đất, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư. Trong khi đó, theo số liệu đã công bố, địa phương này đã cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp cho 1.586 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 2.942ha trên tổng diện tích 7.786ha (chiếm 38%). Còn 2 huyện Nam Giang và Hiệp Đức cấp gần 3.800 bìa đỏ đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhưng có hàng trăm bìa đỏ lưu giữ trong tủ hồ sơ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc Phòng Tài nguyên - môi trường (TN&MT) huyện nhiều năm chưa bàn giao cho dân do phát hiện sai lệch giữa hồ sơ và thực địa. Phổ biến nhất là 6 xã thuộc huyện Đông Giang, khi thực hiện dự án thành lập bản đồ địa chính theo tỷ lệ 1/10.000 đối với đất lâm nghiệp cho thấy,  trong số 3.564 bìa đỏ thì có đến 3.411 giấy sai thông tin không thể cấp cho dân (chiếm 95,7%); 58 giấy có diện tích chồng lấn với các dự án khác phải thu hồi, hủy bỏ. Một trong những nguyên nhân, theo lý giải của Sở TN&MT, trước đây giao đất giao rừng phần lớn giao trên giấy tờ, bản đồ mà lại bỏ qua khâu kiểm tra thực địa, dẫn đến giao chồng lấn về ranh giới, diện tích ngoài thực địa.

Vì chưa được xác lập sở hữu quyền sử dụng nên việc tích tụ đất lâm nghiệp trồng rừng gỗ lớn ở miền núi thời gian qua luôn là rào cản. Do đồng bào không có bìa đỏ đất lâm nghiệp nên khó có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để trồng rừng. Vì trước đây, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công đo đạc đất không bám sát thực địa nên các huyện miền núi xoay xở chậm với tiến độ cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, dự án thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 và hồ sơ địa chính cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp được thực hiện theo Quyết định 672 ngày 25.4.2007 của Thủ tướng Chính phủ (kết thúc dự án tháng 7.2011). Sản phẩm của dự án đưa vào sử dụng và bàn giao cho UBND cấp huyện quản lý, sử dụng theo quy định. Nhưng do phương pháp, công nghệ đo vẽ lúc bấy giờ có sai số lớn; một số địa phương do nhiều lý do khác nhau không bàn giao bìa đỏ đã ký cho dân mà lưu giữ ở Phòng TN&MT các huyện. Do các huyện chưa chỉnh lý biến động kịp thời, thường xuyên và liên tục nên hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp không còn phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất của địa phương. “Việc công nhận bìa đỏ, quản lý hiện trạng và chỉnh lý hồ sơ địa chính dự án đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện” - ông Viễn khẳng định. Được biết, Sở TN&MT đề xuất tỉnh giao nhiệm vụ cho 9 huyện miền núi, trung du làm cơ quan chủ quản, tổ chức thực hiện khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, lập dự toán đo đạc, chỉnh lý, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp, trình sở thẩm định trước khi UBND huyện phê duyệt.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm gỡ vướng mắc quyền sử dụng đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO