Cân bằng giữa phố và làng, giữa phát triển với bảo tồn trên thực tế luôn là bài toán đau đáu của đô thị cổ Hội An. Để phố giữ được nhịp khoan thai, còn đó từng góc nhỏ thơ mộng và luôn là đô thị vương những hoài niệm không là điều dễ dàng.
Níu giữ bóng phố
Sau hàng chục năm “gồng gánh” để giữ lại phần lớn diện tích cảnh quan tự nhiên, vùng lõi đô thị Hội An ngày càng dày đặc nhà cửa. Đơn vị tư vấn quy hoạch thành phố đưa ra cảnh báo rằng, trong gần 20 năm qua, mật độ xây dựng ở các khu vực lõi đô thị đang tăng nhanh chóng. Nếu không kiểm soát được sự gia tăng này, cấu trúc “vườn trong phố” đặc sắc của đô thị cổ Hội An sẽ dần biến mất.
Trong khi đó, hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại chưa được tổ chức hiệu quả, đặc biệt là giao thông tĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố.
Nhiều không gian cây xanh, khu vui chơi giải trí, dịch vụ công cộng đã được hoạch định, được duyệt nhưng chưa được thực hiện và có xu hướng bị thu hẹp (diện tích đất công cộng đô thị và đất cây xanh đô thị ở đất liền TP.Hội An hiện chỉ chiếm 1,25% diện tích tự nhiên toàn thành phố).
Sau một quãng chuyển mình của phố, lãnh đạo TP.Hội An nhận ra rằng đã đến lúc phải tìm cách đưa những người muôn năm cũ của phố trở lại hoặc chí ít là níu giữ số ít còn lại không rời đi. Phố cổ Hội An sẽ trở nên vô hồn nếu vắng bóng họ, mai một đi kho tri thức, nếp sinh hoạt văn hóa phi vật thể thường nhật. Và ở đô thị này, con người làm nên dáng phố, in lại bóng phố chứ không phải là những tòa cao ốc hay công trình kỳ vĩ.
Kinh nghiệm từ chương trình đô thị thích ứng với hoạt động du lịch bùng nổ của Barcelona (Tây Ban Nha) được chuyên gia chỉ ra, quy hoạch phân khu đô thị cần cân bằng hoạt động kinh tế, hạn chế mở thêm các hoạt động mới liên quan riêng đến du lịch và kinh tế khác như cửa hàng lưu niệm, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, lưu trú du lịch và tạo ra những trải nghiệm trong thành phố để có lợi cho cả người dân và du khách, từ đó củng cố cộng đồng cư dân ở những khu vực đông đúc.
Phố của nhiều năm sau…
Theo quy hoạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, với quỹ đất hạn chế, đồng thời phải lưu giữ được các giá trị cảnh quan tự nhiên vốn có, đô thị Hội An đang được tính toán để phát triển chủ yếu về hướng tây trong tương lai - nơi có nhiều lợi thế kết nối nội và ngoại vùng, giảm thiểu được tác động của thiên tai.
Trên đà chuyển mình, Hội An đang cố gắng lưu giữ cấu trúc đô thị bao gồm: cấu trúc hành chính, cấu trúc lõi di sản, cấu trúc phân vùng gắn với phát triển và bảo tồn. Giữ được cấu trúc này, dù là một năm, mười năm hay cả trăm năm sau, Hội An sẽ còn giữ được sắc thái riêng biệt giữa mạng lưới đô thị đông đảo.
Cấu trúc đô thị của Hội An thật lạ lùng. Dù có thể có những ý tưởng khác nhau về cách quy hoạch để Hội An trở thành đô thị di sản đặc thù, mang tầm vóc quốc tế nhưng hầu hết chuyên gia đầu ngành từng nhiều năm gắn bó cùng tiến trình chuyển mình của thành phố này đều đồng tình rằng, với Hội An còn vườn là còn phố, còn làng là còn phố.
TS-KTS. Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Hội An phải quyết liệt giữ cho được hơn 400ha đất trồng lúa, cần ban hành quy chế quản lý kiến trúc các khu vực đặc thù, quy hoạch bài bản lại các không gian trống phát triển tự phát hiện nay.
Bởi vì diện tích đất có thể thay đổi hiện trạng cơ bản của Hội An không còn nhiều (chỉ khoảng hơn 200ha) và phát triển mạnh công nghiệp văn hóa thì mới giữ được hồn cốt của đô thị cổ.
Còn theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Công ty Du lịch Du Ngoạn Việt, quy hoạch phố vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, Hội An không thể chỉ khư khư mãi trong tấm áo bảo tồn được mà cần dám nghĩ lớn, biến cái không thể thành có thể.
Ở đó chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh kinh tế đêm - văn hóa đêm, mở rộng không gian du lịch văn hóa đương đại, không gian cho thi ca nghệ thuật trên cơ sở tôn trọng thiên nhiên. Chỉ khi đó, Hội An mới phát huy được tầm vóc của đô thị đặc thù này.