Chăm lo "cái gốc"

HÀN GIANG 03/02/2023 08:25

Cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác cán bộ qua các nhiệm kỳ, từng cấp ủy, tổ chức đảng ở Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín tặng Giấy khen Ban Tổ chức cấp ủy huyện và tương đương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng năm 2022. Ảnh: N.ĐOAN
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín tặng Giấy khen Ban Tổ chức cấp ủy huyện và tương đương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng năm 2022. Ảnh: N.ĐOAN

Tạo nguồn cán bộ kế cận

Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn cho biết, thị xã hiện có tổng cộng 234 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 106 cán bộ nữ (chiếm 45,3%), 99 cán bộ trẻ (chiếm 42,3%). Giữ chức danh lãnh đạo từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên có 18 đồng chí là cán bộ nữ, 37 cán bộ trẻ.

Ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn cho biết, lãnh đạo thị xã Điện Bàn đặt quyết tâm cao và đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tạo nguồn kế cận cho tương lai.

Đối với Điện Bàn, công tác quy hoạch cán bộ được quan tâm, với phương châm không để bỏ sót cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn vững vàng. Ưu tiên quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, nữ để kế thừa và tăng cường vai trò của phụ nữ trong hệ thống chính trị.

Theo đó, Thị ủy đã xây dựng quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ, các chức danh lãnh đạo, quản lý cho nhiệm kỳ 2025 - 2030 từ nguồn cán bộ trẻ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Cụ thể: quy hoạch cấp ủy có 13 đồng chí (4 nữ), ban thường vụ có 7 đồng chí (3 nữ), Phó Chủ tịch HĐND có 1 đồng chí, Phó Chủ tịch UBND có 3 đồng chí (1 nữ), trưởng phòng và tương đương 42 đồng chí (17 nữ), phó phòng và tương đương 103 đồng chí (58 nữ).

Cũng theo ông Trần Hải Vân, hằng năm Thị ủy Điện Bàn thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của thị xã đương chức hoặc nằm trong quy hoạch về cơ sở công tác và giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, với mục đích tăng cường đội ngũ cán bộ ở cơ sở cũng như rèn luyện, trau dồi khả năng quản lý, năng lực lãnh đạo của cán bộ trong thực tiễn.

Năm 2022 Điện Bàn đã điều động 4 cán bộ trẻ là cấp ủy thị xã (trong đó có 1 ủy viên ban thường vụ) về đảm nhận chức danh bí thư cấp ủy xã, phường.

“Chú trọng từng khâu trong công tác cán bộ, từ việc tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ được quan tâm; cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ trẻ, cán bộ nữ của thị xã không ngừng gia tăng.

Nhiều cán bộ trẻ, nữ được tín nhiệm giữ vị trí trọng trách và qua thực tiễn công tác, đã khẳng định, phát huy được vai trò của mình trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp” - ông Vân chia sẻ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

“Ngày 30/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 10-ĐA/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kỹ năng trình độ thông qua việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên và khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có chất lượng và cơ cấu hợp lý, đủ khả năng lãnh đạo để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Đề án cũng xác định sẽ ban hành cơ chế, chính sách thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng gồm: chính sách hỗ trợ đào tạo (đối với một số lĩnh vực có tính chất chuyên sâu như: giáo dục, y tế, xây dựng, khoa học - công nghệ, luật quốc tế...), bồi dưỡng trong và ngoài nước; chính sách đặc thù mời giảng viên, báo cáo viên, chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng do tỉnh tổ chức; chính sách hỗ trợ đối với người dân tộc thiểu số được điều động lên tỉnh để bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo, quản lý”.

(Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín)

Tại huyện Nam Trà My, việc thực hiện các nghị quyết của cấp trên về công tác cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết 21 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn huyện.

Ông Mai Văn Chính - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Trà My nói, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển và bố trí cán bộ ở địa phương được triển khai đồng bộ, thực chất hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ gắn với bồi dưỡng năng lực thực tiễn luôn được chú trọng nên chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên. Tham gia cấp ủy huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỷ lệ cán bộ người DTTS chiếm 36,84%; cấp ủy xã chiếm 80%.

Đến nay, tỷ lệ trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện là người DTTS chiếm 31,58% (tăng 5,26% so với trước khi có Nghị quyết 21). Tỷ lệ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là người DTTS chiếm 80,19%.

Để khắc phục những hạn chế trong việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS, ông Chính cho hay, Nam Trà My xác định nhiều giải pháp, song trước hết tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu về quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và Huyện ủy đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất, đạo đức cách mạng, tâm huyết, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lề lối làm việc chuyên nghiệp, thực sự tiền phong, gương mẫu, có năng lực thực tiễn, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân, đảm bảo tính kế thừa và phát triển giữa các thế hệ cán bộ.

Đồng thời nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, kết hợp xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với cán bộ chuyên môn, bảo đảm sự chủ động nguồn cán bộ người DTTS trước mắt và lâu dài cho huyện.

“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy từ huyện đến cơ sở tiến hành xây dựng quy hoạch cho cả nhiệm kỳ và hằng năm thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch, kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không chịu khó phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; bổ sung quy hoạch những nhân tố mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Các cấp chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS trong quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS” - ông Chính cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo "cái gốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO