Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành nhiều nơi, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực vượt khó, đổi mới và đa dạng nội dung, hình thức vận động nguồn lực xã hội để chăm lo cho nạn nhân da cam.
Nhiều năm qua, công tác chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Quảng Nam được chú trọng. Năm 2020, từ nguồn vận động, Tỉnh hội hỗ trợ 20 gia đình nạn nhân da cam, chủ yếu hỗ trợ sửa chữa công trình phụ, nhà bếp, thang vịn với tổng trị giá 300 triệu đồng. Năm 2021 và kế hoạch năm 2022, Tỉnh hội sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ đối với các đối tượng ở Tiên Phước và một số địa phương với tổng mức hỗ trợ 1,2 tỷ đồng.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam, chất độc da cam làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Tại Quảng Nam, có 35.000 người bị phơi nhiễm. Trong đó có 15.980 người hoạt động kháng chiến, con đẻ và cháu họ. Hiện, Quảng Nam có 65.000 người là nạn nhân thế hệ thứ nhất và thứ 2 được hưởng chế độ phụ cấp của Nhà nước hằng tháng.
Đồng thời phối hợp với Tổ chức “Hãy nắm lấy tay tôi” hướng dẫn những người chăm sóc trẻ là nạn nhân có kỹ năng tập luyện tại gia đình tại 20 huyện (20 gia đình/huyện) và tiếp tục duy trì triển khai hỗ trợ tại 5 huyện trên địa bàn tỉnh trong năm 2021.
Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam nhiều năm qua đã trở thành chỗ dựa, là nơi nương tựa của trẻ em là nạn nhân da cam, trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm hiện có 47 cháu sinh hoạt thường xuyên, có 6 cán bộ phục vụ, gồm 1 giáo viên dạy chữ cho các cháu, 1 cán bộ hỗ trợ tập luyện, phục hồi chức năng, kỹ thuật sản xuất hương, cấp dưỡng, bảo vệ và 1 phó giám đốc kiêm phục hồi chức năng.
Từ năm 2005 đến tháng 5.2021, tổng thu từ nguồn xã hội hóa của các cấp hội phục vụ chăm lo cho nạn nhân da cam toàn tỉnh và duy trì hệ thống hoạt động của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hơn 87,7 tỷ đồng (Tỉnh hội thu được 44,1 tỷ đồng). Tổng chi giúp đỡ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là 86,4 tỷ đồng.
Năm 2020 và 2021, giữa bối cảnh khó khăn của tình hình dịch Covid-19, Tỉnh hội và trung tâm vẫn nỗ lực duy trì hoạt động chi nuôi các cháu, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các hội đồng hương, các tổ chức từ thiện - nhân đạo, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn.
Như Công ty Lê Hiền (Đà Nẵng) đã giúp đỡ trung tâm năm thứ 8 trong việc hỗ trợ gạo ăn thường xuyên, cải thiện bữa ăn cho nạn nhân. Các đơn vị, doanh nghiệp khác cũng thường xuyên đồng hành với nạn nhân vào các dịp lễ, tết...
Ngoài ra, Tỉnh hội và trung tâm hằng năm cũng tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam, đảm bảo duy trì công tác chăm lo cho nạn nhân da cam.
Trong đó, Tổ chức USAID (Hoa Kỳ) đã giúp người khuyết tật, nạn nhân da cam theo dõi sức khỏe, làm vườn rau sạch, cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho 45 cháu. Tổ chức y tế Vì hòa bình (Hàn Quốc) hỗ trợ xây dựng phòng thực hành tập luyện cho nạn nhân...