Chăm lo cho người nghèo

ĐOÀN ĐẠO 12/04/2016 09:00

Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Núi Thành đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 13,01% (năm 2011) xuống còn 5,96% (2015). Các xã khó khăn cũng được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở Núi Thành đã giảm xuống còn 5,96%. Trong ảnh: Trao nhà tình bạn cho hộ ông Trần Văn Chinh. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở Núi Thành đã giảm xuống còn 5,96%. Trong ảnh: Trao nhà tình bạn cho hộ ông Trần Văn Chinh. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Đình Long ở thôn An Lương, xã Tam Anh Bắc, kể chuyện: “Trước khi chăn nuôi trâu, gia đình tôi vay vốn ngân hàng thực hiện mô hình nuôi tôm. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và dịch bệnh xảy ra thường xuyên dẫn đến thua lỗ khiến gia đình tôi gặp khó khăn chồng chất. Năm 2011, được Hội Nông dân xã hướng dẫn tham gia các lớp chăn nuôi, tôi nhận thấy mô hình chăn nuôi trâu đầu tư không tốn kém nhiều chi phí nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Thế là tôi vay vốn nuôi trâu với quyết tâm thoát nghèo”. Nhờ 4 con trâu ban đầu phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Long tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến đầu năm 2014 đàn trâu của gia đình ông Long đã phát triển lên 12 con. “Hiện tại với giá bán 12 - 13 triệu đồng một con nghé, mỗi năm xuất bán 4 - 5 con, tôi thu lợi khoảng 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi tận dụng chuồng trống nuôi thêm bò cũng kiếm thêm 50 triệu đồng/năm. Tổng cộng hàng năm gia đình tôi thu nhập 110 triệu đồng từ chăn nuôi trâu bò” - ông Long vui vẻ nói. Không những làm giàu cho mình, ông Long còn giúp 10 lao động ở địa phương có được việc làm và giúp 3 hộ khác thoát nghèo bền vững bằng mô hình nuôi trâu như gia đình ông.

Năm năm qua (2011 - 2015), Quỹ vì người nghèo huyện Núi Thành đã vận động quyên góp được hơn 6,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện hỗ trợ cho 2.786 học sinh nghèo với số tiền 698 triệu đồng, trợ giúp chữa bệnh cho 603 người với số tiền hơn 243 triệu đồng, trợ cấp cứu đói cho 2.595 lượt người tổng số tiền 772 triệu đồng. Ngoài ra, Quỹ vì người nghèo còn hỗ trợ sản xuất chăn nuôi với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng cho 210 hộ nghèo, làm nhà và sửa chữa nhà cho các hộ khó khăn trên địa bàn huyện.

Tương tự ông Nguyễn Đình Long, bà Châu Thị Cầu ở khối 5, thị trấn Núi Thành, cũng đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. “Trước năm 2008, cuộc sống gia đình tôi khó khăn, vất vả do chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con nhỏ ăn học. Do vốn ít ỏi nên công việc mua đi bán lại rau dưa ở chợ Chu Lai chỉ giúp tôi mỗi ngày có được 50 ngàn đồng” - bà Cầu nhớ lại. Năm 2012, bà được địa phương giúp vay 5 triệu đồng để làm vốn phát triển sản xuất. Với số tiền đó, bà Cầu đóng kệ và thuê mặt bằng buôn bán được ổn định hơn. “Có vốn, tôi không chỉ mua rau, chuối bán lẻ mà đến tận nơi trồng mua nhiều loại rau củ rồi bán sỉ cho các hộ bán rau khác tại chợ Chu Lai. Nhờ vậy mà thu nhập tăng lên, mỗi ngày buôn bán trừ chi phí xong, tôi lãi được khoảng 200 ngàn đồng” - bà Cầu cười nói. Ông Nguyễn Công Tiến - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành, cho biết: “Chỉ tính riêng các hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn ưu đãi giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 3.700 lượt hộ với tổng số vốn vay là 80 tỷ đồng. Đáng mừng là hầu hết đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.

Chung tay vì người nghèo

Ngồi trong căn nhà mới ấm cúng, ông Trần Văn Chinh ở xã đảo Tam Hải kể rằng, thời gian trước, gia đình ông thuộc diện khó khăn, chỉ lo ăn từng bữa đã mệt nhoài, vì thế ông chưa bao giờ dám nghĩ đến việc xây nhà kiên cố. Năm 2015, niềm vui đến với gia đình ông khi Huyện đoàn Núi Thành và Tổng Công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn trợ giúp 40 triệu đồng để xây nhà. Vay mượn thêm bà con họ hàng, ông làm được căn nhà khang trang với diên tích 120m2. Đáng mừng là một phần căn nhà được đổ bê tông kiên cố để tránh trú bão. “Có căn nhà để an cư, gia đình tôi chỉ lo chí thú làm ăn nhằm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nếu không có sự quan tâm của Nhà nước và xã hội, có lẽ gia đình tôi sẽ mãi sống trong căn nhà tạm bợ, chật chội”- ông Chinh nói. Theo ông Nguyễn Công Tiến, từ năm 2011 đến nay, có 605 hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa. Ngoài ra, từ năm 2011 đến năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng đã cho 344 hộ nghèo vay làm nhà với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Các chế độ chính sách của Nhà nước dành cho người nghèo được huyện Núi Thành thực hiện tốt, tạo đòn bẩy giúp người dân tự thoát nghèo. “Trong 5 năm, có 48.244 thẻ BHYT được cấp cho hộ nghèo, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở các xã thuộc vùng khó khăn gần 2,8 tỷ đồng, hỗ trợ tiền điện thắp sáng hơn 9 tỷ đồng… Các chính sách, cơ chế đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự thoát nghèo. Năm năm qua, toàn huyện đã giảm được 2.637 hộ nghèo và 2.300 hộ cận nghèo. Huyện cũng đã dự toán kinh phí thực hiện đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 khoảng gần 6,5 tỷ đồng. Theo đề án giảm nghèo bền vững, diện mạo nông thôn, miền núi của huyện cũng sẽ tươi tắn hơn, bởi chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển được triển khai tại 6 xã gồm 60 công trình đường giao thông nông thôn, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế… với số vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng; các chương trình 135, 134 được thực hiện ở các xã miền núi với 19 công trình, tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng, xây dựng 224 nhà ở, 49 công trình nước sạch… Mục tiêu trong 5 năm tới, huyện phấn đấu giảm mỗi năm khoảng 1% hộ nghèo và đến năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo” - ông Nguyễn Công Tiến cho biết.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO