Chăm lo cho trẻ miền núi

HÀ QUANG 18/09/2023 07:22

Sau hơn một năm gián đoạn, nếu được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp lần thứ 16 diễn ra vào cuối tuần này, chương trình sữa học đường dự kiến triển khai trở lại từ đầu năm 2024, sẽ góp phần động viên và giúp trẻ em miền núi cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

Từ những ngày đầu năm học mới 2023 - 2024 đến nay, chúng tôi vẫn ghi nhận nhiều thông tin về sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân dành cho học sinh miền núi Quảng Nam. Sau những con số cụ thể về sự hỗ trợ, tôi còn đọc được nhiều tâm tư tình cảm của nhà hảo tâm về tinh thần sẻ chia, thương cảm với trẻ em miền núi.

Cũng dễ hiểu thôi, trẻ em miền núi dễ gây xúc động với nhiều người bởi hoàn cảnh đặc thù mang tính vùng miền. Nếu bạn bỏ qua những con số thống kê về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được thường với tỷ lệ bấp bênh so với đồng bằng, thì cũng dễ cảm nhận được sự thiệt thòi của trẻ em miền núi, chỉ qua góc nhìn cơm ăn áo mặc hằng ngày.

Đây cũng là lý do để cộng đồng mạng nhận ra sự “vô duyên” khi có một luồng tư tưởng cho rằng chương trình “Cơm có thịt” với trẻ em miền núi đã cổ xúy cho một lối ăn uống thiếu lành mạnh, không khoa học; trong khi đó đây là công sức, tâm huyết và cả niềm thương cảm của rất nhiều người dành cho trẻ em ở đây!

Qua sự việc này, “kinh nghiệm” được rút ra là nếu bạn không có điều kiện giúp được gì thì cũng đừng nên “chạm” đến sự chân thành của người khác, dù là tấm lòng hay chút hỗ trợ ít ỏi dành cho trẻ em ở vùng khó khăn.

Miền núi nói chung, lâu nay đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, từ chính sách hỗ trợ, nguồn lực xã hội và cả tình cảm của cộng đồng. Chương trình sữa học đường của Quảng Nam triển khai được xem là chính sách nhân văn với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học ở miền núi, nhưng cũng là cách thể hiện sự chăm lo, chia sẻ với những khó khăn của trẻ em địa phương, mà trước hết là góp phần giúp các em “no cái bụng” để yên tâm học hành.

Theo UBND tỉnh, qua thời gian triển khai thực hiện Chương trình sữa học đường tại Nghị quyết số 15 ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ xã hội và tạo tâm thế phấn khởi cho phụ huynh, học sinh.

Chương trình sữa học đường kết hợp với chế độ dinh dưỡng của các cơ sở giáo dục, của gia đình, đa số trẻ được cải thiện về thể lực và tập trung chú ý trong các hoạt động; trẻ háo hức đi học chuyên cần hơn...

Hôm chúng tôi có dịp đến thăm Trường Tiểu học nội trú xã Trà Leng (Nam Trà My), cũng được nghe các thầy cô giáo ở đây đánh giá chương trình này rất ý nghĩa bởi trước hết giúp trẻ nội trú có thêm niềm vui khi nhận được sự quan tâm của Nhà nước.

Nhiều bạn nhỏ đón nhận những họp sữa như một thức quà ưa thích sau bữa cơm ở trường. Các thầy cô giáo cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi chương trình này gián đoạn hơn một năm qua, và cho biết không ít học sinh vẫn chờ đợi “thức quà từ đồng bằng” này.

Theo UBND tỉnh, sự gián đoạn chương trình sữa học đường là do việc tổ chức đấu thầu mua sắm sữa tập trung hàng năm thuộc gói thầu lớn nên mất nhiều thời gian, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục.

Để khắc phục hạn chế này, chương trình sẽ được thay thế bằng nội dung “Bữa ăn học đường” trong Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025, và dự kiến thay đổi phương cách triển khai là sẽ giao kinh phí về cho các địa phương để có thể bỏ qua công đoạn đấu thầu.

Nếu nghị quyết được thông qua, chương trình được thực hiện từ tháng 1/2024 đến hết năm học 2025 - 2026; ước tính có khoảng 108.326 học sinh, trong đó có 39.351 trẻ mẫu giáo và 68.975 học sinh tiểu học được uống sữa 5 lần/tuần với kinh phí 131,7 tỷ đồng. Vì sự phát triển của trẻ em miền núi, số tiền này đáng để đầu tư!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo cho trẻ miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO