Lao động - Việc làm

Chăm lo đời sống công nhân lao động: Nhiều vấn đề đặt ra với Quảng Nam

HỒ QUÂN 24/05/2024 10:00

Tập trung giải “bài toán” nhà ở xã hội và thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong buổi làm việc của Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh vào ngày 22/5.

ld-2.jpg
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Ảnh: H.Q

Nhà ở xã hội có thực sự bức thiết?

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân. Qua triển khai, toàn tỉnh có 571 doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ với số lượt lao động là 28.977.

Có thể thấy, nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động (CNLĐ) rất cao, song qua khảo sát thực tế chỉ có 2.148 công nhân có nguyện vọng về nhà ở xã hội.

Trong đó, có 1.581 người thuộc các khu kinh tế và khu công nghiệp (KKT&KCN); số còn lại thuộc các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn…

Còn ông Hoàng Châu Sơn - Phó Trưởng ban Quản lý các KKT&KCN tỉnh nói, cách khảo sát hiện nay chưa phù hợp, bởi các ngành chức năng chủ yếu lấy số liệu thông qua doanh nghiệp. Có thể trong quá trình doanh nghiệp lấy ý kiến, công nhân không hiểu đúng, hiểu rõ về việc đăng ký nguyện vọng.

“Với số lượng CNLĐ đông, đời sống trong khu trọ khó khăn thì mơ ước có căn nhà ở xã hội là điều chắc chắn. Tuy nhiên, việc đầu tư cần đồng bộ, đảm bảo nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, giải trí và xem xét giá cả hợp lý cho CNLĐ.

Chẳng hạn khu nhà ở công nhân Công ty Panko Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) đưa vào sử dụng 200 căn (giai đoạn 1) nhưng chỉ có khoảng 70 căn có người ở. Dù giá cả ưu đãi nhưng chỉ cho nữ ở, thiếu các thiết chế cần thiết thì CNLĐ cũng không mặn mà” - ông Sơn cho biết.

Theo Sở Tài chính, hiện nay tiền đầu tư các dự án nhà ở xã hội sẽ được trích 20% giá trị tiền sử dụng đất. Đến nay đã có các dự án ở Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, song số tiền sử dụng đất nộp vào hơn 61 tỷ đồng vẫn “nằm yên bất động” hơn 3 năm nay. Sắp tới, sẽ có nguồn thu sử dụng đất hơn 100 tỷ đồng, nhưng vẫn lúng túng ở cách làm và nhu cầu của CNLĐ.

Đến nay Quảng Nam hiện vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Theo phân tích của lãnh đạo tỉnh, do tính chất lao động là người trong tỉnh, làm việc không ổn định và muốn sinh hoạt tự do nên nhu cầu mua đất làm nhà hoặc ở nhà thuê cao hơn nhu cầu nhà ở xã hội.

Đây là một trong những lý do khiến nhà đầu tư có phần e ngại. Cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội khó thu hút nhà đầu tư do nguồn lực đầu tư lớn, song chưa thống nhất mức giá bán và phải thu tiền lẻ. Các cơ chế ưu đãi đầu tư chưa nhiều; thủ tục bán nhà, xét duyệt phải thực hiện nhiều khâu.

“Theo quy hoạch tỉnh, Quảng Nam sẽ có thêm 10 KCN trong tương lai. Do đó việc phát triển nhà ở xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút CNLĐ để tăng nguồn nhân lực cho tỉnh. UBND tỉnh sẽ quyết tâm tháo gỡ vướng mắc để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án nhà ở xã hội trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

ld-3.jpg
Việc đầu tư nhà ở xã hội sẽ góp phần thu hút nhân lực cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới. Ảnh: H.Q

Đảm bảo quyền lợi cho lao động

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Nghị quyết 11/2021 của Tỉnh ủy về sự nghiệp văn hóa thể thao có nội dung về đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ CNLĐ trong khu, cụm công nghiệp.

Nhưng đến nay toàn tỉnh chỉ có 3/14 khu, cụm công nghiệp có đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao, song về chất lượng, hoạt động vẫn còn hạn chế.

Ngoài nguyên nhân về những bất cập trong triển khai, tổ chức, quản lý thiết chế văn hóa thì quy hoạch cụm, KCN hiện nay thiếu quan tâm trong việc bố trí phần đất để đầu tư cho lĩnh vực này. Nhiều khu vực bố trí thiết chế văn hóa - thể thao xa khu vực CNLĐ sinh sống, không thuận tiện cho việc sử dụng.

Theo các ban chuyên môn Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 18 đơn vị đầu tư phòng vắt - trữ sữa cho phụ nữ trong giai đoạn nuôi con nhỏ; còn 6 đơn vị có bữa ăn ca dưới 15.000 đồng. Tình trạng nợ kinh phí công đoàn; nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn kéo dài...

Còn theo ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh, tổng số tiền nợ BHXH hiện nay là 292 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm số lượng lớn.

Tình trạng nợ BHXH so với mức thu vào vẫn đang được khống chế ở mức 3,4%. Đáng mừng là các chế độ phát sinh của CNLĐ vẫn được các doanh nghiệp ưu tiên đóng trước và được giải quyết kịp thời.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh cần nắm chắc đời sống và những vấn đề phát sinh trong CNLĐ để kịp thời giải quyết từ sớm, từ xa.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cần quan tâm, đề nghị doanh nghiệp sớm nâng chất lượng bữa ăn ca; đầu tư phòng vắt - trữ sữa ở nơi có đông công nhân nữ làm việc; vấn đề an toàn, vệ sinh lao động cần được đảm bảo hơn.

Việc đầu tư nhà thiết chế văn hóa - thể thao cần tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ, có hiệu quả theo chủ trương của tỉnh. Công tác thanh tra trong lĩnh vực BHXH cần triển khai quyết liệt, giảm thiểu tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo đời sống công nhân lao động: Nhiều vấn đề đặt ra với Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO