Chăm lo giáo dục

TUẤN TÚ 18/12/2018 06:50

Những năm gần đây huyện Nam Trà My đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học khá đồng bộ, tạo diện mạo mới khang trang cho trường lớp.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở  Trà Linh mới xây dựng trên đỉnh Ngọc Linh.Ảnh: T.T
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Trà Linh mới xây dựng trên đỉnh Ngọc Linh.Ảnh: T.T

Xã hội hóa trường lớp

Lội bộ hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được điểm trường Long Riêu ở thôn 5 xã Trà Nam. Không riêng gì các cô giáo, mà gần 100 phụ huynh, học sinh ở điểm trường xa xôi, cách trở này đều vui mừng bởi ngôi trường xây bán kiên cố được hoàn thành giữa bản làng ở lưng chừng núi. Ông Hồ Văn Biên, người dân làng Long Riêu, tâm sự: “Hồi trước trường học làm bằng tranh tre nứa lá, bây giờ nhờ cô Thanh đứng ra vận động kinh phí xây trường mới cho con em trong làng. Trường xây đẹp, học sinh đi học đầy đủ, tôi mừng lắm”. Điểm trường Long Riêu được xây dựng với kinh phí 345 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng là do cô Lê Thị Hồng Thanh - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Trà Nam và các giáo viên vận động mạnh thường quân đóng góp; 45 triệu đồng còn lại từ vốn đối ứng của huyện Nam Trà My.

Để xây dựng một ngôi trường ở vùng cao có diện tích khoảng 160m2 với bốn phòng học, một phòng nghỉ cho giáo viên, cùng các công trình phụ như bếp, bể nước, khu vệ sinh, sân chơi... kinh phí không dưới một tỷ đồng. Bởi vật liệu và công vận chuyển đắt gấp hai, ba lần so với đồng bằng. Nhờ người dân tự nguyện tham gia vận chuyển cát sạn, làm mặt bằng và gùi cõng vật liệu nên việc xây dựng ngôi trường giảm chi phí đáng kể và kịp đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học mới trong niềm hân hoan của mọi người. “Không có sự đóng góp hỗ trợ của bà con thì điểm trường này khó mà xây dựng được. Trời mưa đường trơn nhưng bà con vẫn gắng sức cõng từng gùi cát, bao xi măng lên xây trường. Giờ có trường bán kiên cố, nhà trường mới tổ chức được bữa ăn bán trú cho các em ở lại trưa” - cô Lê Thị Hồng Thanh cho biết.

Đầu tư xây dựng trường xã

Đến trung tâm xã Trà Linh vào những ngày cuối đông mới thấy hết sự đổi thay của hạ tầng cơ sở giáo dục nơi đây. Tọa lạc ngay trung tâm xã là khu học tập, khu nhà ăn, khu ở nội trú khá khang trang của 160 em học sinh Xê Đăng ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT - THCS) Trà Linh. Những năm trước, do điều kiện giao thông cách trở, cơ sở vật chất của trường, cũng như chỗ ở của học trò và thầy cô giáo đều tạm bợ. Năm 2017, Ngân hàng Vietin Bank hỗ trợ 8 tỷ đồng để xây dựng khu nội trú. Huyện Nam Trà My trích ngân sách hơn 5 tỷ đồng để xây dựng khu học tập 2 tầng cho các em học sinh nơi đây. Có được ngôi trường mới, nơi ăn chốn ở ổn định, thầy và trò nơi đây đều vui mừng, phấn khởi. “Trước đây Trường PTDTBT - THCS Trà Linh quá tạm bợ nên việc dạy và học không đảm bảo, gặp rất nhiều khó khăn. Giờ được các cấp quan tâm xây dựng công trình nội trú và dạy học khang trang bề thế nên thầy trò chúng tôi hết sức vui mừng. Nhờ thế, chất lượng dạy và học được nâng lên đáng kể” - thầy Nguyễn Thanh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trà Linh, cho biết.

Tuy là một huyện vùng cao còn nghèo khó, nhưng 5 năm trở lại đây, Nam Trà My đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương. Trong đó, việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, nơi ăn ở cho giáo viên, học sinh luôn được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 230 tỷ đồng được huyện Nam Trà My đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, tỷ lệ tầng hóa đạt 100% ở xã, và hơn 80% ở thôn. Nhờ có sự quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở của ngành giáo dục nên Nam Trà My đã nâng tỷ lệ học sinh ra lớp đạt hơn 98%, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THCS, đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Cả huyện hiện có 2 trường THCS và 1 trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia.

TUẤN TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO