Sự chuyển biến trong ý thức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là gốc rễ giúp sức khỏe nhân dân được chăm sóc tốt hơn tại huyện miền núi Nam Trà My.
Có bệnh đã biết đến bệnh viện
Những năm gần đây, người dân huyện Nam Trà My đã đến bệnh viện nhiều hơn, chủ yếu do ý thức của người dân ngày càng được nâng cao. Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn về con người, nhưng Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My thời gian qua đã nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn. 100% người dân ở Nam Trà My được cấp thẻ BHYT, nhưng quan trọng là người dân đã biết sử dụng thẻ BHYT khi ốm đau. Ông Đinh Văn Thang (thôn 3, xã Trà Mai) bị rắn cắn, được đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu và điều trị. Cái chân bị rắn cắn vẫn đang bầm tím, sưng phồng và rất đau nhức. “Đau lắm, bác sĩ nói may đưa đến bệnh viện kịp nếu không sẽ khó cứu chữa. Bây giờ phần lớn người dân nơi đây ốm đau đều đến bệnh viện, một số ít người vẫn còn tin vào thầy cúng nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh”.
Người dân vùng núi cao Nam Trà My đã biết đến bệnh viện khi ốm đau. Ảnh: D.L |
Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết: “Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT cho người dân, chúng tôi xác định dù khó khăn thế nào cũng cố gắng phục vụ tốt nhất có thể. Ngoài thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn, ngôn ngữ cũng là rào cản trong quá trình khám chữa bệnh. Bởi những xã vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn. Nhiều lúc bác sĩ dưới xuôi lên đây làm việc, không hiểu được tiếng người dân, bởi không phải ai cũng rành tiếng Kinh. Nên các y bác sĩ cũng phải tự học để hiểu được người dân, từ đó khám chữa bệnh được tốt hơn”. Mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My tiếp nhận điều trị nội trú từ 70 đến 100 lượt bệnh nhân, còn khám bệnh hàng ngày từ 80 đến 120 bệnh nhân. Số lượt khám tăng lên, điều đó chứng tỏ người dân đã biết lo cho sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Đặc biệt, sản phụ đã biết đến bệnh viện lúc sinh nở chứ không tự sinh con ở nhà như trước.
Khó khăn giám định BHYT điện tử
Có một thực trạng mà các bác sĩ hay gặp hàng ngày trong khám chữa bệnh BHYT đó chính là tên họ, ngày tháng năm sinh trong thẻ BHYT không trùng khớp với chứng minh nhân dân hay sổ hộ khẩu. Trong 2 năm gần đây, các ngành công an, tư pháp, bảo hiểm xã hội cùng với các xã trên địa bàn huyện phải phối hợp chặt chẽ để làm lại các loại giấy tờ của người dân sao cho thống nhất. Như tâm sự của một đồng chí công an huyện Nam Trà My, đó là một quá trình dài và rất vất vả, vừa đi sửa sai cho người dân vừa phải tuyên truyền cho họ hiểu, đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải hết sức cố gắng, bền bỉ. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện làm việc ngay với Bảo hiểm xã hội huyện Nam Trà My phối hợp xử lý nhanh cho người dân để họ được khám chữa bệnh, nhất là những bệnh nặng cần chuyển tuyến. Chính điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc giám định BHYT điện tử tại đây. Bởi thông tin sai sẽ không giám định được, buộc phải xuất toán, ảnh hưởng đến tiến độ khám chữa bệnh tại trung tâm. |
Năm 2016 là năm đầu tiên ngành BHYT thực hiện giám định BHYT theo tỷ lệ, đồng thời phải giám định BHYT điện tử. Điều kiện giao thông cách trở, đường sá xa xôi, mạng lưới internet chưa phủ khắp khiến cán bộ cơ sở Nam Trà My gặp nhiều khó khăn đáp ứng yêu cầu chung. Ông Huỳnh Ngọc Thạo - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Nam Trà My cho biết, giám định BHYT điện tử đã hỗ trợ rút ngắn được thời gian giám định, song cũng đòi hỏi yêu cầu về hồ sơ phải đảm bảo, nếu không tỷ lệ sai sót cao hơn. BHXH huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, lập hồ sơ đề nghị quyết toán đảm bảo quy định, tổ chức thẩm định kịp thời. Hiện nay toàn bộ hồ sơ đã thực hiện trên phần mềm do BHXH Việt Nam quản lý và liên thông dữ liệu trên phạm vi cả nước. Nam Trà My là một trong 19 cơ sở đã hoàn thành cập nhật dữ liệu thường xuyên và giám định trên cổng thông tin giám định chung toàn quốc kể từ cuối quý IV năm 2016. Thế nhưng, việc liên thông dữ liệu không hề đơn giản, nếu không nói là gian nan.
Theo ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, hiện nay cán bộ y tế cơ sở ở 9/10 xã và cả Trung tâm Y tế huyện phải dùng song song 2 phần mềm cũ và mới. Phần mềm cũ của VNPT cung cấp chưa được nâng cấp tương ứng với phần mềm mới là cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp phục vụ việc giám định nên dùng phần mềm cũ thì không thể kết xuất được dữ liệu lên cổng thông tin giám định dùng chung. Ở Trung tâm Y tế huyện, do có kết nối internet nên dữ liệu được cập nhật hàng ngày. Nhưng đối với các cơ sở y tế ở xã, cán bộ y tế phải nhập dữ liệu trên phần mềm cũ, rồi hàng tuần mang dữ liệu lên huyện nhập vào phần mềm mới, trong khi quy định phải cập nhật hàng ngày. Nam Trà My có 10 trạm y tế ở xã, trong đó xã Trà Cang do không có kết nối internet nên chưa thể giám định điện tử. Các xã còn lại, nơi dùng mạng 3G để chuyển thông tin, nơi dùng cáp quang nhưng đường truyền rất yếu. Bà Phạm Thị Thanh Thái - Trưởng trạm Y tế xã Trà Dơn cho biết: “Tại xã, việc nhập dữ liệu được giao cho một nữ cán bộ rành công nghệ thông tin nhất. Trà Dơn cách trung tâm huyện gần 20km, vào mùa nắng đi được nhưng mùa mưa sạt lở, đất đá rơi nguy hiểm đi lại rất khó khăn. Ở trạm đã có internet nhưng kết nối lúc được lúc không.
LÊ DIỄM