Chăm lo người có công

PHẠM HOÀNG 18/06/2018 13:11

Những năm qua, công tác “đền ơn đáp nghĩa” được huyện Tiên Phước triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả đáng mừng. Đến nay, hầu hết gia đình chính sách và người có công trên địa bàn huyện đã có cuộc sống ổn định.

Hàng tháng huyện Tiên Phước thực hiện chi trả chế độ chính sách đầy đủ, kịp thời cho hơn 1.200 gia đình người có công cách mạng với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.Ảnh: P.H
Hàng tháng huyện Tiên Phước thực hiện chi trả chế độ chính sách đầy đủ, kịp thời cho hơn 1.200 gia đình người có công cách mạng với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.Ảnh: P.H

Chăm lo người còn sống

Chị Huỳnh Thị Hồng ở tại thôn 4, xã Tiên Mỹ là con liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân chị Hồng là phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ. Nhà ở tạm bợ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, xã Tiên Mỹ đã hỗ trợ chị xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Ngôi nhà mới rộng rãi khang trang, đảm bảo sinh hoạt cho 7 thành viên trong gia đình. Chị Hồng chia sẻ: “Trước đây căn nhà tranh, vách đất chật chội lại bị dột nát, con cái không chỗ học tập. Chừ có ngôi nhà mới, việc sắp xếp nơi ăn ở, học hành cho các con thuận lợi hơn rất nhiều”. Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Hỗ trợ xây dựng nhà ở, giúp người có công “an cư, lạc nghiệp” được huyện quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên. Trong 5 năm qua (2012 - 2017) huyện đã hỗ trợ xây dựng sửa chữa 1.133 nhà ở cho người có công với cách mạng, trong đó 337 nhà xây mới, 796 nhà sửa chữa với tổng kinh phí 29,4 tỷ đồng. Ngoài ra huyện còn kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng 29 nhà ở cho người có công với số tiền 1,26 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Nguyệt, qua 5 năm (2013 - 2018) thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, toàn huyện xác lập và giải quyết trên 10.000 thủ tục, hồ sơ ưu đãi người có công các loại gồm: hồ sơ thờ cúng liệt sĩ, hồ sơ người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, đính chính thông tin thân nhân liệt sĩ, hồ sơ Mẹ VNAH,  đề nghị khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật do phơi nhiễm chất độc hóa học; cấp lại  Bằng Tổ quốc ghi công; cấp thẻ Bảo hiểm y tế và nhiều loại thủ tục, hồ sơ ưu đãi người có công khác... Huyện cũng đã chỉ đạo giải quyết đúng, đủ và kịp thời chế độ bảo đảm quyền lợi thiết thực, chính đáng của người có công, vận động nhân dân đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa chung tay giúp đỡ người có công có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn so với cộng đồng. Cùng với đó, huyện còn làm tốt công tác lập hồ sơ, đề nghị công nhận danh hiệu Mẹ VNAH, tổ chức lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu trang trọng, kêu gọi, phân công các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời 22 Mẹ VNAH còn sống với mức phụng dưỡng 1,2 triệu đồng/tháng.

Tri ân người đã khuất

Tiên Phước hiện có hơn 22 ngàn đối tượng chính sách, người có công. Trong đó có gần 3.000 liệt sĩ, hơn 600 Mẹ VNAH, hơn 1.000 thương, bệnh binh, 1.700 người hoạt động kháng chiến được tặng huân, huy chương, hơn 3.500 người có công giúp đỡ cách mạng,  người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học...

Đã hơn 40 năm kể từ ngày quê hương hoàn toàn giải phóng nhưng vẫn còn nhiều liệt sĩ nằm lại với núi rừng trong sự đau thương, trông ngóng của người thân và gia đình. Bằng tình cảm, trách nhiệm với mong muốn được sẻ chia một phần những hy sinh, mất mát của các gia đình liệt sĩ, những năm qua huyện Tiên Phước đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Với tâm niệm “Tìm sẽ thấy, không tìm thì không bao giờ thấy”, huyện đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, phát hiện và quy tập hơn 650 hài cốt liệt sĩ đưa vào an táng tại các nghĩa trang, cung cấp thông tin về hài cốt liệt sĩ cho hơn 280 thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc; phối hợp di chuyển hơn 350 hài cốt liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang trên địa bàn huyện về lại quê nhà và đưa 158 hài cốt liệt sĩ của huyện ở các nơi về an táng tại địa phương.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Tiên Phước đã vận động cán bộ, công chức các cơ quan đơn vị và nhân dân đóng góp, đầu tư xây dựng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ huyện và các xã Tiên Ngọc, Tiên Hà, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, di tích liệt sĩ xã Tiên Lãnh. Hiện nay, 15/15 nghĩa trang liệt sĩ và các khu chứng tích các xã, thị trấn đều có người quản trang chăm lo nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Huyện cũng đã tổ chức lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại 14/15 nghĩa trang liệt sĩ các xã và Tượng đài Cây Cốc (xã Tiên Thọ) với tổng kinh phí đầu tư hơn 600 triệu đồng nhằm đảm bảo các nghĩa trang liệt sĩ có hệ thống điện chiếu sáng vào ban đêm tạo thêm phần khang trang, sạch đẹp.

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Chúng tôi xác định việc giải quyết các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công và thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH mà là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của toàn bộ hệ thống chính trị. Huyện luôn quán triệt trong đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, liệt sĩ nâng cao ý thức trách nhiệm nhằm thực hiện chu đáo, đầy đủ chính sách của Nhà nước, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hồ sơ người có công, đảm bảo người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn so với cộng đồng”.

PHẠM HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo người có công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO