Chăm lo người có công ở Đại Lộc

TRIÊU NHAN 22/08/2017 08:42

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công ở Đại Lộc ngày càng lan tỏa và xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình được chính quyền địa phương biểu dương khen ngợi.

Ông Nguyễn Văn Tuyên đã góp sức cùng với địa phương xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm của thôn. Ảnh: TRIÊU NHAN
Ông Nguyễn Văn Tuyên đã góp sức cùng với địa phương xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm của thôn. Ảnh: TRIÊU NHAN

Tấm lòng một cựu binh

Cựu binh Nguyễn Văn Tuyên quê Thanh Hóa từng tham gia chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng, ông chọn ở lại vùng đất Đại Lộc, nơi xưa kia đơn vị từng đóng quân, bén duyên cùng với một nữ quân nhân gốc Điện Bàn. Trở về từ chiến trường với đôi bàn tay trắng, bản thân là bệnh binh 2/3, ông và vợ đã chọn vùng đất phía tây Đại Lộc để xây dựng mái ấm hạnh phúc từ đôi bàn tay trắng. Với ý chí, nghị lực làm giàu trên đất khó đã giúp ông bà có được cuộc sống khấm khá, con cái thành đạt, nên người. Cũng từ sự chung tay, góp sức của ông Tuyên, công trình nhà bia tưởng niệm thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Hồng có tổng giá trị gần 100 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong ông vẫn đau đáu nỗi niềm, nghĩa tình với đồng đội đã ngã xuống: “Trên đất Đại Hồng, Đại Lộc này, biết bao đồng đội tôi đã ngã xuống. Đại Lộc cũng là nơi xưa kia đơn vị tôi đóng quân, nên việc hỗ trợ một chút công sức để địa phương hoàn thiện một công trình bia tưởng niệm cũng là việc nên làm. Đó là nơi chốn để đồng đội tôi, các liệt sĩ hy sinh trên đất này có nơi để đi về” - ông nói.

Ông Tuyên còn chia sẻ khó khăn của đồng đội xung quanh mình như cho mượn tiền giúp họ có vốn đầu tư làm ăn, trồng rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ông còn nỗ lực tham gia công tác xã hội, nhận đỡ đầu học sinh nghèo bằng tiền lương tháng. Người cựu binh già còn giao hẳn 2ha rừng thuộc sở hữu của gia đình cho Hội Cựu chiến binh xã quản lý, tạo quỹ hoạt động phong trào. Ông hỗ trợ tiền, cùng với chính quyền địa phương xây dựng một nhà tình nghĩa tại thôn Hòa Hữu Tây, trao tặng một số suất quà cho Mẹ VNAH của xã. Những việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn của người cựu binh già trên đất Đại Hồng, miền tây Đại Lộc rất đáng ghi nhận, vinh danh trong cộng đồng.

Nguồn lực tổng hợp

Xã Đại Nghĩa và Đại Thắng là hai địa phương điển hình làm tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ giải quyết chế độ cho người có công, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát cho thân nhân và gia đình thương binh liệt sĩ. Đến nay, xã Đại Nghĩa đã hướng dẫn, lập thủ tục giải quyết chế độ chính sách cho 403 đối tượng, 42 thương binh, 3 bệnh binh, 259 thân nhân liệt sĩ, 16 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; 32 đối tượng có công cách mạng và tù yêu nước… Ngoài kinh phí được cấp, xã còn huy động  nguồn lực xã hội hóa, xây dựng và sửa chữa 113 ngôi nhà tình nghĩa cho đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ neo đơn. Mỗi năm, xã chi hàng chục triệu đồng thăm hỏi, động viên gia đình chính sách dịp lễ tết, hoặc ốm đau, hoạn nạn. Cùng với việc vận động các tổ chức, đơn vị nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH neo đơn, UBND xã còn nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH Thái Thị Cơ… Bà Lê Thị Thu Thủy phụ trách công tác lao động, thương binh của xã Đại Nghĩa cho hay: “Nhiều năm nay, Đại Nghĩa đã làm tốt khâu xác lập hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho người có công, không để xảy ra sai sót hay khiếu kiện, tạo lòng tin trong dân”.

Công tác đền ơn đáp nghĩa còn được các tổ chức chính quyền, hội đoàn thể Đại Nghĩa duy trì với phong trào “Nàng dâu hiếu thảo”, “Áo lụa tặng bà”, “Thắp nến tri ân”, “Chúng em làm sạch nghĩa trang liệt sĩ”... tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Chị Mai Thị Mỹ Nhung - Bí thư Đoàn xã cho hay, hằng năm, vào dịp 27.7, hay lễ tết, Đoàn xã huy động đoàn viên, thanh niên ra quân làm đẹp và chăm sóc các “địa chỉ đỏ” như nghĩa trang liệt sĩ, tháp bia tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Nghiên, Đền tưởng niệm Trường An, vườn bà Cửu Triễn. Đoàn xã còn tổ chức thăm hỏi, trao tặng quà cho một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn xã; phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã tổ chức lễ thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn nhằm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương có ngày hòa bình. Hàng tháng, đoàn viên thanh niên xã nhà còn đến các gia đình người có công neo đơn, già yếu để hỗ trợ chăm sóc vườn tược, dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, tuy hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, đỡ đần bớt khó nhọc cho người có công, Mẹ VNAH…

Đại Thắng, vùng đất gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, có số người có công đông nhất huyện. Ông Trần Công Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã     Đại Thằng chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện tốt chế độ ưu đãi, chăm sóc sức khỏe, đời sống cho người có công theo quy định của Nhà nước, xã còn chú trọng hỗ trợ sinh kế, tập trung cải thiện nhà ở cho đối tượng người có công gặp khó khăn. Xã vận động xây Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 100 triệu đồng. Cùng với nguồn hỗ trợ ngân sách từ tỉnh, huyện, xã và sự quyên góp công sức của các tổ chức đoàn thể, nhân dân, xã đã xây mới được 15 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 3 căn nhà cho gia đình chính sách với tổng số tiền 500 triệu đồng; tặng 12 sổ tiết kiệm trị giá 12 triệu đồng. “Có thể nói, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc về nội dung, trở thành nét đẹp trong cộng đồng, đi sâu vào tâm khảm của mỗi người. Ngoài chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn lực xã hội, địa phương luôn phát huy sự phấn đấu, tự vươn lên của đối tượng chính sách, luôn lấy thôn và các ban ngành đoàn thể làm đơn vị tổ chức phong trào. Lắng nghe ý kiến từ gia đình chính sách trong quá trình thực hiện để đánh giá, rút kinh nghiệm” - ông Phụng nói.

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo người có công ở Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO