Chăm lo sức khỏe người dân miền núi: Vượt qua những rào cản

PHƯƠNG GIANG 18/09/2014 13:27

Vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn vừa qua tiếp tục là một lời cảnh báo đau lòng về tình trạng bất chấp rủi ro của các bà mẹ người thiểu số và những hạn chế trong công tác chăm lo sức khỏe đối với người miền núi.

Bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh khám bệnh cho người dân xã Trà Kót (Bắc Trà My).  Ảnh: VINH ANH
Bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh khám bệnh cho người dân xã Trà Kót (Bắc Trà My). Ảnh: VINH ANH

Những tồn tại

Kết luận của hội đồng chuyên môn Sở Y tế xác định nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh tại huyện Phước Sơn là sinh non, nhiễm trùng, mà sâu xa là hạn chế về trình độ nhận thức của các bà mẹ trong việc chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe của mình. Sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với bà mẹ và trẻ em miền núi còn là một khái niệm chưa phổ biến ở nhiều vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí và các dịch vụ y tế phục vụ người dân chưa phát triển. ThS. Nguyễn Thị Nha, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh cho biết: “Những rào cản làm hạn chế việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ CSSKSS và dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn xuất phát từ những tập tục lạc hậu, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn và khả năng nhận thức về vai trò của việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, các thôn bản phân bố dân cư thưa thớt, hạn chế về chất lượng dịch vụ y tế chưa tạo được niềm tin trong nhân dân, không đáp ứng đủ nhân lực và vật lực. Đây là những tồn tại nhức nhối đối với công tác chăm sóc sức khỏe ở các huyện miền núi của tỉnh”.

Theo thống kê của Trung tâm CSSKSS tỉnh, tử vong sơ sinh chiếm khoảng 60% số ca tử vong dưới 1 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là đẻ non, đẻ nhẹ cân, nhiễm trùng sơ sinh, dị tật bẩm sinh… Cùng với đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân chiếm đến 22%, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm đến 31%. Một số địa phương như Bắc Trà My, Đông Giang, Phước Sơn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi lên đến 33 – 38 %.

Tại hội thảo huy động cộng đồng vào việc nâng cao sức khỏe nhân dân mới đây do Sở Y tế phối hợp với Ban quản lý dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức, nhiều đại biểu cũng đã nêu lên thực trạng thiếu và yếu của công tác CSSKSS tại cộng đồng người nghèo và dân tộc thiểu số. Theo ThS. Nguyễn Thị Nha, qua các đợt kiểm tra, giáo dục sức khỏe của các đoàn bác sĩ, đều phát hiện nhiều bà mẹ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng trước, trong và sau sinh hoặc mắc các bệnh phụ khoa thông thường, thiếu kiến thức CSSKSS và dinh dưỡng trẻ. Trong khi đó, ở các địa phương miền núi, mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe, tư vấn còn thiếu, hoạt động ít. Tỷ lệ quản lý thai nghén toàn tỉnh đạt 92,6%, nhưng tỷ lệ bà mẹ ở khu vực miền núi khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ chỉ chiếm xấp xỉ 70%, hơn 26% phụ nữ sinh tại nhà. Cá biệt, có nơi như Nam Trà My, tỷ lệ bà mẹ sinh tại nhà lên đến 77%. Khó khăn và thách thức đặt ra hiện nay là điều kiện tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, công tác chăm sóc sơ sinh còn nhiều hạn chế. Rủi ro từ việc tự sinh ở nhà dẫn đến tỷ lệ tử vong sơ sinh còn cao, tốc độ giảm chậm. Đối với các trung tâm y tế ở miền núi, kinh phí cho công tác CSSKSS còn phân bổ dàn trải, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hàng loạt rào cản khách quan và chủ quan đã và đang là thách thức lớn đối với công tác chăm lo sức khỏe cho người dân miền núi.

Tìm giải pháp

Những năm gần đây, công tác đầu tư cho y tế, phát triển mạng lưới y tế thôn bản, nâng cao năng lực khám chữa bệnh đang được triển khai quyết liệt nhằm thu hẹp dần khoảng cách dịch vụ giữa các vùng miền. Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nhiều giải pháp về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao nhận thức về chăm lo sức khỏe sinh sản cho người dân miền núi đã được triển khai tích cực trong thời gian gần đây. Song song với việc tăng cường nhân lực chăm sóc hộ sinh ở thôn bản, xây dựng mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản và bổ sung, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế cơ sở, việc tăng cường cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị cũng được đầu tư thỏa đáng. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, sở đã có định hướng ưu tiên phù hợp cho công tác CSSKSS ở miền núi và xem đây là một trong những ưu tiên hàng đầu”.

Theo dõi sức khỏe định kỳ ở Trạm Y tế xã Tà Pơơ, Nam Giang. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Theo dõi sức khỏe định kỳ ở Trạm Y tế xã Tà Pơơ, Nam Giang. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Để nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của người dân về CSSKSS và dinh dưỡng trẻ em, khuyến khích tiếp cận các dịch vụ CSSKSS và dinh dưỡng tại cơ sở y tế, việc huy động cộng đồng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trở thành một biện pháp hữu hiệu. Bà Lê Thị Thủy, Phó ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh nhận định: “Với hơn 128 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số ở 93 xã của 13 huyện trên địa bàn tỉnh, việc chăm lo sức khỏe cho người dân miền núi, đặc biệt là CSSKSS và dinh dưỡng là một thách thức lớn cần nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành. Xây dựng các mô hình thí điểm về bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép nội dung tuyên truyền CSSKSS và dinh dưỡng trong các buổi tư vấn, truyền thông cộng đồng, làm cầu nối cho các tổ chức y tế hỗ trợ, tài trợ cho các chương trình này là cách làm của Ban Dân tộc trong việc chung tay giảm thiểu những rủi ro về sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở miền núi”.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm lo sức khỏe người dân miền núi: Vượt qua những rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO