Nhiệm kỳ qua, Đại Lộc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều cách làm hay nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuổi trẻ Đại Lộc tìm hiểu về lịch sử, truyền thống đấu tranh giải phóng quê hương.Ảnh: BÍCH LIÊN |
Quy hoạch, dự nguồn
Thời gian qua, Đại Lộc không ngừng chú trọng củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức - cán bộ từ huyện tới cơ sở. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Xuân Quang, xác định công tác cán bộ là khâu then chốt của xây dựng Đảng nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, huyện đã tổ chức quy hoạch và rà soát quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020. Trên cơ sở đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn trong đội ngũ cán bộ, khuyến khích cán bộ trẻ tiếp tục tham gia học sau đại học. Huyện cũng đã cử một số cán bộ trẻ đi đào tạo chuyên ngành ở cấp trung ương, cấp khu vực. Tính đến nay, Đại Lộc có 15 cán bộ có trình độ thạc sĩ được phân bổ ở các lĩnh vực chuyên ngành và có 1 tiến sĩ đang trong giai đoạn đào tạo. Qua rà soát, nguồn nhân lực ở cấp huyện có trình độ đại học chiếm 79%, sau đại học chiếm 2% và ở cấp xã/thị trấn tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học đạt gần 49,5% (tăng hơn 20% so với năm 2010). Nhiều năm qua, khâu đào tạo, quy hoạch cán bộ với mục tiêu chuẩn hóa từ cơ sở đã được đặt ra. Ở cấp xã, huyện luôn tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên theo học đại học và các lớp chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, lãnh đạo. “Hiện 50% cán bộ thuộc diện định biên ở cấp xã đều có trình độ đại học chính quy và phấn đấu đến năm 2020, số định biên cấp xã phải đạt 70% có trình độ đại học chính quy” - ông Phan Xuân Quang cho biết.
Năm năm qua, Đại Lộc có 216 cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn được cử đi học lớp cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị - hành chính, trung cấp lý luận chính trị. Riêng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện trong năm 2014 đã mở tổng cộng 137 lớp đào tạo về sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị, các lớp ngoại khóa, lớp chuyên đề bồi dưỡng chính trị, thu hút 24.331 lượt cán bộ, đảng viên tham gia… |
Bên cạnh từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở, Đại Lộc không ngừng rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2010 - 2015 và hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015 - 2020 ở cấp huyện và cấp cơ sở. Đề án tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã/thị trấn giai đoạn 2016 - 2021 đã và đang trong giai đoạn triển khai. Một nỗ lực đáng ghi nhận nữa là Đại Lộc luôn chú trọng quy hoạch, tạo nguồn đối với cán bộ nữ các cấp. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cơ sở chiếm gần 20% sau đại hội cơ sở, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhiều xã có tỷ lệ cán bộ nữ cao như Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại Quang. Toàn huyện có 3 bí thư, 4 phó bí thư xã/thị trấn là nữ, và trên thực tế, nhiều cán bộ nữ đã thực sự phát huy năng lực trong chỉ đạo, điều hành và được đánh giá tốt.
Để làm tốt khâu dự nguồn nhân lực, theo Trưởng phòng Nội vụ Đại Lộc - ông Phạm Lương, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo thống kê, lập danh sách những sinh viên tốt nghiệp đại học có thành tích tốt, chưa được bố trí việc làm để có cơ sở sắp xếp vị trí đề án việc làm, lựa chọn trường hợp có đủ năng lực vào làm việc ở những bộ phận phù hợp khi có yêu cầu. Với hình thức này, năm 2014, huyện đã hợp đồng 4 trường hợp vào làm việc tại huyện và chủ trương này sẽ được triển khai rộng trong những năm tới.
“Rèn” đạo đức, tác phong
Trong năm 2014, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã chỉ đạo mở 4 lớp đào tạo “Bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm và phong cách làm việc cho cán bộ trẻ” cho 400 cán bộ, đảng viên độ tuổi dưới 40 ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp. Các học viên được trang bị những kiến thức chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập cách làm việc, dân vận, đạo đức cách mạng của Bác Hồ. Đặc biệt là được trang bị kỹ năng, kinh nghiệm trong tiếp dân. Kết thúc khóa học, mỗi học viên đều có bài thu hoạch, tự đặt cho mình kế hoạch trong chỉ đạo, thực hiện. Dù chưa có đánh giá cụ thể từng trường hợp ngoài thực tế, song bước đầu cũng đã góp phần thay đổi nhận thức ở một bộ phận cán bộ trẻ, từ nhận thức đúng sẽ đi tới hành động đúng. Không dừng lại ở đó, sau lớp học, các bí thư, phó bí thư xã/thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ, theo dõi, kiểm tra việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân và phong cách làm việc của cán bộ trẻ. Sắp tới, toàn huyện sẽ tổ chức đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo huyện với lực lượng cán bộ trẻ nhằm đánh giá kết quả và có kế hoạch nhân rộng cách làm này.
Về cách “rèn” cán bộ này, theo Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - ông Mai Đình Lự, xuất phát từ thực tiễn, những khóa đào tạo này góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng ứng xử cũng như rèn luyện phẩm chất người lãnh đạo khi tiếp dân, giảm bớt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu. “Thời gian tới, huyện ủy chỉ đạo xây dựng quy chế cụ thể về định hướng phát ngôn, phong cách, lề lối làm việc, tiếp dân ở cấp huyện và cấp cơ sở. Bên cạnh đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt chào cờ đầu tuần đối với cán bộ thuộc cơ quan Huyện ủy, UBND huyện, cơ quan nhà nước” - ông Mai Đình Lự nói.
BÍCH LIÊN