Theo những bậc cao niên trồng hoa mai ở TP.Hội An, những chậu mai đẹp ngày tết đòi hỏi các cành, nhánh phân chia thứ lớp, uyển chuyển, khỏe khoắn, bông rải đều, nụ bụ bẫm, lá non vừa nhú. Sở dĩ, người trồng mai chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai là bởi theo phong tục Á Đông nói chung, người Việt nói riêng, rất trân quý tôn ti trật tự, trên dưới, trong ngoài thành nền thành nếp. Vì thế, chưng hoa mai ngày tết ngoài thú vui tao nhã còn mang nhiều ý nghĩa cao quý.
Những ngày này, ông Trần Công Hạnh (phường Tân An, TP.Hội An) chú tâm chăm những chậu hoa mai để mang mùa xuân về khu vườn và các ngôi nhà trên địa bàn thành phố. Ông Hạnh hết tỉa tót cành nhánh, lại ghép, chiết để tạo nên các “thế” mai, “chi” mai. Sở hữu hơn một nghìn chậu mai hơn 30 năm tuổi trên phạm vi hơn 3 nghìn mét vuông nhưng ông Hạnh không bán và chỉ cho thuê. Thậm chí, năm nay, các nhà hàng, khách sạn Hội An vắng khách vì Covid-19 hoành hành đã không thuê mai chậu về chưng tết như mọi năm cũng không khiến ông Hạnh bận lòng. Ông bảo, gắn với nghiệp “nuôi dưỡng” hoa mai thì đừng mảy may nghĩ đến giá trị kinh tế mang lại.
Theo ông Hạnh, sở hữu một chậu mai đẹp, tinh túy đòi hỏi sự tinh tế của người chăm hoa. Mai đẹp cần thể hiện được ý nghĩa “nhụy âm dương, cành tứ quý”. “Nhụy âm dương” là biểu hiện đạo vợ chồng chung thủy, sắt son, đồng lòng bên nhau vượt qua mọi dông bão, gìn giữ hạnh phúc đến đầu bạc, răng long. “Cành tứ quý” mang ý nghĩa thể hiện bốn mùa trong năm, đại diện cho quỹ đạo một năm đầy tài lộc, may mắn, thịnh vượng, như những kết cục có hậu trong đời thực.
Nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã cất công trông nom, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cả một năm trời để đón chờ hoa mai bung nở đúng tết. Theo quy luật của tự nhiên, cây mai sẽ rụng lá vào cuối mùa đông, sau đó, các mầm hoa sẽ bung lớp vỏ trấu, các nụ xanh sẽ nở sau 5 - 7 ngày. Tuy vậy, để hoa mai nở theo ý muốn, người trồng hoa phải kỳ công tuốt lá. Có 2 điểm đáng lưu ý trong công việc hái lá mai: một là thời tiết nóng thì mai ra hoa sớm nên cần hái lá muộn hoặc ngược lại; hai là cây mai sinh trưởng, phát triển mạnh, lá cây tươi tốt thì sẽ ra hoa muộn, cần hái lá sớm và ngược lại. Cuối năm nay thời tiết rất biến động, nắng, mưa, nóng, rét đan xen nên công việc tưởng đơn giản lại rất khó khăn. Có thâm niên gần 40 năm trồng mai nhưng ông Nguyễn Kỳ Phú (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) vẫn mày mò, xoay xở trong những ngày qua để trông chờ hoa mai nở đúng hẹn.
“Năm nay trời lạnh, mai nở chậm nên phải hái lá sớm. Tuy vậy, mưa nhiều sẽ khiến quá trình nở của hoa mai sớm hơn nên rất khó xử lý chu toàn, còn phải trông chờ may mắn” - ông Phú nói.
Hoa mai biểu trưng cho khí tiết cao thượng, tấm lòng của người quân tử dãi nắng dầm sương, vượt qua khắc nghiệt của thời tiết để mang mùa xuân tươi thắm cho cuộc đời. Ông Nguyễn Kỳ Phú cho rằng, trồng, chăm bẵm, chưng hoa mai ngày tết không chỉ là làm đẹp, hơn thế nữa là thể hiện cốt cách của con người. “Cây mai là tinh anh của đất trời, không phải ai cũng theo nghiệp trồng mai được. Cây mai lại gắn chặt với vận nghiệp của người trồng nên không phải ai cũng có thể kiên trì, gắn bó mãi được” - ông Phú nói.
Hoa mai nở rực rỡ sắc vàng vào mùa xuân là biểu tượng của cái đẹp bừng sáng, sự hưng vượng, khởi phát viên mãn trong năm mới. Người dân Quảng Nam thường quan niệm hoa mai nở đúng vào đêm giao thừa hay sáng sớm ngày mùng Một Tết Nguyên đán kỳ vọng mang đến sự may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho gia đình.