Chậm quy hoạch rừng phòng hộ ven biển: Cái giá phải trả! (Bài 2)

HỮU PHÚC 16/06/2015 08:31

Nhiều vùng ven biển biến mất “bức tường xanh” đã phải trả giá đắt khi vào mùa mưa bão thiên tai đe dọa nhà cửa, đất sản xuất và sinh mạng của người dân.

  • Chậm quy hoạch rừng phòng hộ ven biển: Cái giá phải trả! (bài 1)

BÀI 2: THẢM HỌA BÁO TRƯỚC

Mong manh trước gió

Vào mùa mưa bão, lớp lớp con sóng gào thét nhắm vào bãi cát đơn độc mà khoét sâu. Hàng dừa ở Cửa Đại (TP.Hội An) nhô cao, xác xơ lá chống chọi yếu ớt. Nhiều cây đổ ngã, gốc rễ trơ lên mặt đất. Các công trình khách sạn kiên cố sát bên cạnh biển như Victoria, Golden Sand và Sunrise bị sóng biển ngoạm sát vào nền móng. Chưa bao giờ các nhà đầu tư du lịch, người dân Cửa Đại lại tỏ ra âu lo về tình trạng sạt lở, biển xâm thực và hứng chịu nạn cát bay như hiện nay. Các cơn bão những năm gần đây đi qua vùng ven biển này đều để lại hậu quả nặng nề. Nhiều hàng quán, nhà cửa, cây cối dọc tuyến đường bị quật ngã nằm la liệt. Cát biển bị sóng cuốn phăng lên bờ, tràn lên đường và vào tận nhà dân.
Nhiều ngư dân ở Cửa Đại kể lại, ngày trước muốn ra biển phải xuyên qua rặng dương liễu già. Còn nay mở cửa ra đã thấy sóng biển, mùa mưa bão dù tàu thuyền đưa lên bờ nhưng vẫn bị đánh úp. Nếu giữ lại rừng thì đâu ra nông nỗi này. Trong 10 năm qua, Khu nghỉ dưỡng Sunrise buộc phải bỏ ra 1 triệu USD xây kè chống sóng biển, nhưng vẫn không thể ngăn được sức tàn phá của sóng. Biến mất rừng dương, hàng chục héc ta đất ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) cũng bị “hà bá” nuốt trôi ra biển. Hơn 100 hộ dân thôn Thuận An (xã Tam Hải) đang lên kế hoạch di chuyển đến các xã lân cận để sinh sống vì không còn chỗ an cư. Hiện tượng nước biển dâng cao cũng khiến hàng trăm héc ta đất canh tác ở nhiều nơi biến mất...

Nhà cửa người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) bị sụp đổ hoàn toàn trong một cơn bão cách đây 5 năm. Ảnh: H.P
Nhà cửa người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) bị sụp đổ hoàn toàn trong một cơn bão cách đây 5 năm. Ảnh: H.P

Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến - ông Nguyễn Ngọc Bổn cho biết, 50ha rừng ở khu du lịch Cát Vàng bị “cạo trọc”, cái giá đầu tiên phải trả là khi xảy ra gió lớn, nước biển, cát có thể bay thẳng vào nhà dân. Riêng vùng biển Hà Quang có năm nước biển xâm thực sâu hơn 20m. “Nơi nào san ủi sạch rừng dương sát biển thì trồng các loại cây khác không lên nổi. Riêng ở thôn Hà Quang, cây điều mấy năm nay đều không ra hoa kết trái. Hơn 8 năm trồng mà cây cao chưa đến 1m. Cử tri địa phương liên tục bức xúc về nạn cát bay và kiến nghị Nhà nước phải khẩn trương trồng lại rừng phòng hộ ven biển” – ông Bổn nói.
Theo lãnh đạo xã Tam Tiến, ngoài 102ha rừng dự án PACSA phủ xanh trên đất trống đồi trọc của xã ở phía tây đường Thanh niên ven biển, thì địa phương không có diện tích đất nào được quy hoạch cho rừng phòng hộ. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đang quản lý 1.110ha đất của xã. Nhiều người dân sống dọc ven biển được cấp đất lâm nghiệp, nên việc trồng cây với chức năng kinh tế là chính. Nhà nước không thể can thiệp vào việc giữ lại hay chặt bỏ rừng cây phát triển trong nhân dân. Ông Trương Đức Trí – Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (thuộc Bộ Tài nguyên – môi trường) nhận định, nơi nào còn đa dạng hệ sinh thái rừng ven biển, thông thường ít bị thiệt hại về thiên tai; ngược lại khu dân cư, làng mạc không có “lá chắn biển” mức độ tàn phá khủng khiếp hơn và sinh mạng người dân cũng treo lơ lửng mỗi khi có gió bão quét qua.

Èo uột trồng rừng

“Chúng tôi lấn cấn chưa điều chỉnh quy hoạch đai rừng phòng hộ vì không thể tổ chức cuộc điều tra cơ bản hiện trạng sử dụng đất vùng ven biển. Với chi phí phân bổ 146 triệu đồng mà điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2014 - 2020 thì không ai dám nhận làm cả”.
(Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)

Thực trạng xâm thực của nước biển, đất đai nhiễm mặn, hiện tượng sạt lở bờ sông, đê điều, vùi lấp các ao nuôi trồng thủy sản, các công trình hạ tầng dân sinh... là những thách thức mà vùng ven biển đang đối mặt. Thời gian qua, dù chương trình 327, trồng 5 triệu héc ta rừng, dự án PACSA phủ xanh nhưng quản lý, bảo vệ những diện tích rừng phòng hộ ven biển bị xem nhẹ, thường ưu tiên cho các mục tiêu khác. Phong trào nuôi tôm lót bạt trên cát tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến tình trạng lấn chiếm rừng và đất rừng phòng hộ để mở rộng diện tích sản xuất. Trong khi đó, chính quyền chưa thấy được tầm quan trọng phòng hộ của các đai rừng, khu rừng ven biển suy giảm cả chất lượng và diện tích, không đáp ứng chức năng phòng hộ trong điều kiện thiên tai thường xuyên xảy ra.

Theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, đến năm 2020, quy hoạch rừng phòng hộ ven biển (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) sẽ có 2.926ha, không quy hoạch rừng đặc dụng ven biển. Trong đó, rừng phòng hộ chiếm gần 2.700ha, rừng sản xuất hơn 154ha, tập trung ở huyện Thăng Bình, Núi Thành, TP.Tam Kỳ và TP.Hội An.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng, suốt thời gian dài việc trồng rừng ven biển gần như chưa được lưu tâm đúng mức. Mỗi năm, vốn ngân sách phân bổ phát triển rừng nhỏ giọt. Trong chu kỳ 5 - 6 năm, mỗi héc ta đầu tư có 15 triệu đồng thì khó có khả năng phát triển rừng giàu được. Việc điều tra chi tiết hiện trạng sử dụng đất làm cơ sở điều chỉnh lại hệ thống rừng phòng hộ ven biển, xây dựng quy hoạch khu rừng tập trung, đai rừng phòng hộ của ngành nông nghiệp bất thành, do thiếu kinh phí thực hiện. “Chúng tôi lấn cấn chưa điều chỉnh quy hoạch đai rừng phòng hộ vì không thể tổ chức cuộc điều tra cơ bản hiện trạng sử dụng đất vùng ven biển. Với chi phí phân bổ 146 triệu đồng mà điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2014 - 2020 thì không ai dám nhận làm cả. Hiện đề cương điều chỉnh quy hoạch rừng khu vực này của ngành đang chờ UBND tỉnh xem xét” – ông Hưng phân trần. Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, sở dĩ thời điểm này mới đề cập câu chuyện quy hoạch rừng phòng hộ ven biển vì lâu nay tỉnh dành ưu tiên cho các dự án phát triển du lịch, sắp xếp dân cư, nuôi trồng thủy sản... Đến khi nhìn thấy sức tàn phá của thời tiết cực đoan, mới thức nhận sự sống còn của đai rừng phòng hộ.

Thiếu đất để phát triển rừng phòng hộ tập trung, đó là tình trạng chung của các địa phương ven biển đang vấp phải. Ông Nguyễn Văn Bổn – Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến nêu bất cập, thời gian qua hàng trăm hộ dân chặt cây trồng để đào ao nuôi tôm lót bạt trên cát nhưng chính quyền không thể xử lý họ vi phạm lâm luật được, do phần lớn đất họ đang sử dụng được Nhà nước cấp trồng rừng sản xuất, chứ đâu phải vốn do Nhà nước bỏ ra trồng rừng phòng hộ. “Địa phương bất lực nhìn rừng cây ven biển trong khu dân cư bỗng dưng bị triệt hạ chóng vánh. Về tầm nhìn quy hoạch, chúng ta đã quá hạn hẹp, chỉ tính đến lợi ích trước mắt. Chừ kiếm đâu ra đất để phát triển đai rừng đây!” – ông Bổn tiếc rẻ. Sở NN&PTNT giải thích, khi quy hoạch đất cho Khu kinh tế mở Chu Lai, một số diện tích rừng ven biển đã đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ. Đây là lý do khiến cán bộ kiểm lâm ở vùng ven biển bị… “thất nghiệp”. Trong khi đó, hơn 8 năm nay các huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ chỉ mới trồng lại hơn 828ha (bình quân hơn 100ha/năm), vốn trồng rừng phân bổ hàng năm khá thấp nên không thể phủ xanh rừng phòng hộ theo ý muốn.

HỮU PHÚC

Bài cuối: Trả màu xanh cho bờ biển
Không đợi chờ nguồn vốn xây dựng kiên cố các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, một số nơi đã bắt đầu phủ xanh rừng trên cát, trồng cây ngập mặn để “trả nợ” thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm quy hoạch rừng phòng hộ ven biển: Cái giá phải trả! (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO