Chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân

CÔNG TÚ 28/01/2016 09:33

Chủ động “đẩy lùi” sâu bọ, dịch bệnh, chuột… phá hoại mùa màng, chính quyền và nông dân thị xã Điện Bàn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ để giành thắng lợi trong vụ đông xuân 2015 - 2016.

Giành thế chủ động

Năm 2015, vào mùa mưa “vắng bóng” lũ lụt khiến cho nông dân ở thị xã Điện Bàn đứng ngồi không yên. Vắng lũ lụt, đất đai sản xuất lúa bị bạc màu do không được phù sa màu mỡ bồi đắp, cùng với đó sâu bệnh “ẩn mình” chực chờ bùng phát, chuột sinh sôi nảy nở nhanh và ốc bươu vàng gây hại các cánh đồng. Hiện tượng El Nino được dự báo sẽ khiến cho hạn hán nghiêm trọng xảy ra, vụ sản xuất lúa đông xuân trên địa bàn thị xã đang đối mặt với thực trạng thiếu nước tưới, nước mặn xâm nhập ngược về phía tây dần hiển hiện. Cả “núi” khó khăn bủa vây “mùa vàng”, nguồn lương thực chi dùng nội bộ và tiêu thụ ra bên ngoài có nguy cơ thất thu. “Lường trước những yếu tố bất lợi đó, chúng tôi đã tổ chức sớm hội nghị tổng kết sản xuất lúa vụ hè thu; đồng thời đề ra nhiều biện pháp và thường xuyên chỉ đạo các xã, phường tập trung giành thế chủ động canh tác vụ đông xuân 2016 đạt hiệu quả cao nhất” - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi cho biết. Dưới sự chỉ đạo của chính quyền và ngành chức năng thị xã, các địa phương đã hướng dẫn bà con nông dân tiến hành ngay khâu vệ sinh đồng ruộng, cày lồng đất, ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp trên toàn bộ 5.680ha. Đến thời điểm này, những trà lúa xuống giống vào các ngày 20, 25 và 30.12 năm ngoái được nhà nông dặm tỉa, cây lúa đang tăng trưởng tốt.

Nông dân thôn Bảo An Tây, xã Điện Quang thường xuyên phát động ra quân đánh bắt chuột.
Nông dân thôn Bảo An Tây, xã Điện Quang thường xuyên phát động ra quân đánh bắt chuột.
Thị xã Điện Bàn có diện tích đất canh tác lúa đứng thứ nhì toàn tỉnh (sau huyện Thăng Bình). Vụ đông xuân 2016, người nông dân nơi đây bắt đầu xuống giống từ ngày 20.12.2015 và kết thúc ngày 5.1, trong đó có 30% giống dài ngày, còn lại là giống trung và ngắn ngày. Địa phương phấn đấu vụ đông xuân 2015 - 2016 đạt năng suất 60 tạ/ha.

Khi thâm nhập thực tế quanh các bờ vùng, bờ thửa tại một số xã như Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng… một lão nông nói: “Bà con mình đã làm nhiều cách, song không thể nào diệt hết được chuột. Chúng sinh sôi quá nhanh, cắn phá dữ dội ngay từ lúc vừa xuống giống. Rồi ốc bươu vàng ở đâu trồi lên ăn lá non trụi hết. Nhưng dẫu có tốn nhiều công sức chăm sóc, chúng tôi vẫn quyết tâm bảo vệ cho được vụ lúa đông xuân”. Để tỉa dặm lại ruộng chuyên canh giống TH5 của nhà mình, bà Hồ Thị Thúy trú tại thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước mượn thêm hai mẹ chị trong xóm ra phụ giúp. Vừa thoăn thoắt nhổ mạ nơi dày để dặm vào chỗ trống, ba người phụ nữ cũng nhanh tay bắt những con ốc bươu vàng háu ăn. Bà Thúy cho hay, người dân đã phun thuốc diệt, nhưng được vài bữa là lớp ốc bươu vàng khác lại xuất hiện. Nhận thấy không ăn thua gì, họ phải dùng phương pháp thủ công là vạch lúa bắt. Sau khi dặm sạ xong, bà sẽ mua thuốc về phun phòng ngừa sâu bệnh. Vất vả hơn cả là chuyện đối phó với “giặc chuột”. Trước khi tiến hành gieo sạ, nông dân Điện Bàn khắp nơi đồng loạt ra quân đào hang bắt chuột. Họ còn dùng bạt ni lông kéo giăng bao bọc chung quanh bảo vệ ruộng lúa; đồng thời dùng bẫy sắt, rồi bẫy bằng bả hoặc thóc ngâm thuốc để diệt, hạn chế thấp nhất sự phá hoại của chúng.

Nông dân khẩn trương chăm sóc lại ruộng lúa. Ảnh: C.T
Nông dân khẩn trương chăm sóc lại ruộng lúa. Ảnh: C.T

Không được lơ là

Hình thành “Tổ dịch vụ đánh bắt chuột”
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Phan Minh Dũng đã chỉ đạo đơn vị chuyên trách phối hợp với các xã, phường và hợp tác xã tổ chức cho nhân dân tiếp tục duy trì các biện pháp diệt chuột. Đáng chú ý, lãnh đạo thị xã yêu cầu tiến hành khảo sát tại Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang về dịch vụ đánh bắt chuột, qua đó đánh giá để rút kinh nghiệm về việc thành lập các “Tổ dịch vụ đánh bắt chuột”.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình này, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, ở thôn Xuân Đài (xã Điện Quang) hiện có một tổ dân phòng gồm các thành viên chủ yếu là những nông dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, ngoài thực thi “nhiệm vụ chuyên môn”, họ còn “kiêm nhiệm” đảm trách dịch vụ bắt chuột, phun thuốc bảo vệ thực vật. Bước đầu, dịch vụ này đã cho thấy được sự tiện lợi, phát huy hiệu quả khi nhiều nông dân hưởng ứng và có nhu cầu sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Phan Minh Dũng cho biết, mới đây thị xã tiếp tục có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương lưu ý đề phòng với bệnh đạo ôn vì thời tiết này rất thuận lợi cho bào tử nấm phát triển. Đặc biệt, giống lúa 13/2  giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng trổ rất mẫn cảm với bệnh, mà diện tích gieo cấy đông xuân tương đối lớn. Việc lãnh đạo UBND thị xã khuyến cáo các địa phương, người nông dân là không thừa, tránh tình trạng “nước tới chân mới nhảy” khi mà tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, thời gian nghỉ tết du xuân dài ngày dễ sinh ra tâm lý chủ quan, lơ là khâu theo dõi, chăm sóc lúa. Theo ông Nguyễn Đức Chơi, đơn vị đã cho kiểm tra toàn bộ các trạm bơm, hệ thống kênh mương, xây dựng phương án chống hạn và trình cấp trên phê duyệt. Đồng thời khâu đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện, địa bàn phường Điện Ngọc, nhằm bảo vệ cho khoảng 1.800ha đất lúa (cùng 1.500ha đất màu) cũng đang khẩn trương được tiến hành, dự kiến hoàn thành cuối tháng 1 này. Trước đó, thị xã chỉ đạo đội liên ngành đi kiểm tra các đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tuồn ra thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngành chức năng còn hỗ trợ các địa phương 100kg thuốc để tiến hành đánh bả diệt chuột.

Các xã, phường ở Điện Bàn suốt thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc diện tích lúa đông xuân. Khuyến cáo và hướng dẫn nông dân duy trì thói quen thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng, nhất là trong dịp tết để kịp thời phát hiện các loại sâu hại mà có biện pháp phòng trừ hiệu quả; tiếp tục duy trì việc đặt bẫy diệt chuột phá hoại. Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang - ông Hà Văn Minh cho biết, địa phương vừa có thông báo hướng dẫn nông dân cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đầu vụ trên cây lúa. “Chúng tôi lưu lý kết hợp với dặm tỉa, bà con cần tập trung chăm sóc bón phân sớm cho lúa; đơn cử là các loại phân giúp cây chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi. Hướng dẫn cụ thể cách phòng trừ sâu bệnh, như tuyến trùng rễ, bọ trĩ, ruồi đục nõn…” - ông Hà Văn Minh nói. Ngoài ra, Ban nông nghiệp xã Điện Quang còn yêu cầu các thôn, đội sản xuất khuyến cáo người nông dân nên bắt ốc bươu vàng và ổ trứng bằng tay vào buổi sáng sớm. Sử dụng thức ăn như lá đu đủ, xơ mít, lá khoai, lá súng... dẫn dụ ốc bươu vàng tập trung để dễ thu gom hơn. Đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc cho dễ dàng. Cạnh đó, nông dân có thể phun, rắc thuốc vào chiều tối hoặc sáng sớm trên những chân ruộng có mật độ ốc nhiều hơn 3 con/m2. Bằng nhiều giải pháp và hết sức tập trung, xã Điện Quang đặt mục tiêu giành thắng lợi vụ sản xuất đông xuân 2016.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO