Lớp tư vấn tiền sản do Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) tổ chức vừa qua thu hút sự quan tâm của nhiều thai phụ, đặc biệt có cả những người tuổi tầm U 60 - 70 đến nghe để thêm có kiến thức chăm con cháu.
Bổ ích
Thật hiếm thấy lớp học nào mà những người tham dự chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối, như lớp tiền sản do Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) tổ chức vừa qua. Bác sĩ nội trú Phan Thị Hồng Ngọc trình bày lợi ích của khám thai định kỳ vào các thời điểm nhất định nhằm xác định được tình trạng sức khỏe của mẹ và con cũng như phát hiện kịp thời các yếu tố, nguy cơ và xử lý kịp thời, ngăn chặn được yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con. “Thời điểm quan trọng cần siêu âm đó là khi thai được 12 tuần tuổi, để đo độ mờ da gáy giúp chẩn đoán nguy cơ mắc hội chứng down và khi thai được 22 tuần tuổi để phát hiện dị tật thai nhi”.
Có thai phụ hỏi siêu âm nhiều lần trong thai kỳ có tốt hay không, bác sĩ Hồng Ngọc giải thích, cho đến nay chưa có kết luận siêu âm ảnh hưởng đến thai nhi nhưng nếu không có bất thường, thai phụ chỉ cần siêu âm định kỳ, không cần siêu âm nhiều lần để khỏi ảnh hưởng thời gian và tiền bạc. Nhiều thắc mắc bày tỏ lo lắng như trong 3 tháng đầu của thai kỳ bị dị ứng với nhiều loại thức ăn và hay buồn nôn; không uống được sữa dành cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không... Bác sĩ Hồng Ngọc khuyên, nên chia nhỏ khẩu phần ăn và bổ sung vitamin cùng các nguyên tố vi lượng từ thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và các loại thức ăn khác.
Cử nhân điều dưỡng Huỳnh Thị Phương Thanh hướng dẫn tư thế cho trẻ bú đúng.Ảnh: PHÚC VIỆT |
Khi bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Phụ trách Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam giới thiệu các bước chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh trong và sau khi sinh, đặc biệt là về phương pháp da kề da. Chị Cao Mai Thị Thúy Kiều, 33 tuổi, ở Hòa Thuận, Tam Kỳ tâm sự: “Tôi sinh con đầu lòng cách đây mấy năm nên chưa được áp dụng phương pháp da kề da. Vừa rồi, khi đến khám thai, biết tin lớp tiền sản có giới thiệu về nội dung này nên tranh thủ đến để tìm hiểu và thấy thật thú vị”. Còn bà Hồ Thị Hường (58 tuổi, ở Tiên Phước) có con gái vừa sinh được 2 ngày và con dâu có thai 6 tháng chia sẻ: “Trước đây, khi sinh con xong nhỏ cam thảo, lấy bia tắm cho trắng da. Bây giờ nghe tư vấn mới biết như vậy là không đúng và thay đổi để chăm con, chăm cháu khoa học hơn”. Trước câu hỏi về việc “xuống sữa” theo phương pháp dân gian, bác sĩ Kiều Trinh giải thích: “Trong những ngày đầu, dạ dày của em bé khá nhỏ nên chỉ cần lượng sữa rất ít, sau đó, khi các bà mẹ cho con bú nhiều lần, tuyến sữa sẽ được kích thích và sẽ cho sữa nhiều. Quan trọng nhất, các bà mẹ sau sinh phải giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đủ chất thì sẽ không thiếu sữa”.
Thiết thực
Khi cử nhân điều dưỡng Huỳnh Thị Phương Thanh - Điều dưỡng trưởng Khoa Phụ sản hướng dẫn về cách cho trẻ bú, nhiều người mới nhận ra, tuy là chuyện đơn giản nhưng không phải ai cũng làm đúng. Theo đó, người mẹ có thể nằm hoặc ngồi nhưng phải trong tư thế thoải mái, bế trẻ sao cho đầu và thân trẻ tạo thành đường thẳng. Cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt để tận dụng sữa non, tốt nhất là cho bú sớm 30 phút đầu sau sinh. Thời gian một bữa bú khoảng 15 - 20 phút, cho trẻ bú từng bên một, hết bên này mới chuyển sang bên kia để trẻ nhận được sữa cuối giàu chất béo. Cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho bú bất cứ lúc nào trẻ muốn, cả ngày lẫn đêm, ít nhất 8 lần mỗi ngày.
Buổi tư vấn kết thúc nhưng nhiều bà mẹ mang thai vẫn nán lại để hỏi thêm nhiều vấn đề họ còn thắc mắc ngoài nội dung bài giảng. Có những thắc mắc tưởng chừng rất nhỏ như bà bầu nên nằm ngủ với tư thế nào cũng được đặt ra tại lớp học, vì các bà mẹ vốn sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng, bác sĩ Hồng Ngọc hướng dẫn, 3 tháng đầu, thai phụ có thể nằm mọi tư thế, 3 tháng tiếp theo nên nằm nghiêng và 3 tháng cuối nên nghiêng trái và kê cao chân để máu lưu thông tốt. Trong khi đó, anh Ngô Văn Quang ở Trà Tập, Nam Trà My có vợ mới sinh được 2 ngày, nghe tin có lớp tư vấn đến dự để hỏi thêm bác sĩ về chăm sóc trẻ sinh non. Anh Lê Cảnh Thu ở Trà Tập, Bắc Trà My cũng đến để tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh khi vợ anh sắp sinh đứa thứ hai vì “Đứa con đầu đã 5 tuổi mà suy dinh dưỡng, còi cọc quá nên lần này đến học hỏi để chăm con từ khi còn nhỏ”.
Trước sự quan tâm của người nghe và những tình tiết “bất ngờ” tại buổi tư vấn, bác sĩ Kiều Trinh cho biết có thể tới đây Khoa Phụ sản sẽ mở thêm nhiều lớp tư vấn cho nhiều đối tượng khác, như về sức khỏe sinh sản vị thành niên, về bệnh phụ khoa hay tư vấn cho phụ nữ ở lứa tuổi tiền mãn kinh…
CHÂU NỮ - PHÚC VIỆT