Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng, trong 1.000 ngày đầu đời trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai.
Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”.
Trong 1.000 ngày đầu đời là khoảng thời gian trẻ phát triển rất nhanh nhưng cũng rất dễ bị tổn thương, được tính từ khi trứng được thụ thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
Trong thời gian này, bà mẹ mang thai cần nguồn dinh dưỡng hợp lý cho sức khỏe của chính mình và bé. Bà mẹ nên ăn tăng lượng thức ăn ít nhất thêm 1/4 (tăng số bữa ăn và số lượng cơm, thức ăn trong mỗi bữa). Tăng chất lượng thức ăn, đảm bảo cho sự phát triển của mẹ và con, các loại thức ăn cần thiết (thịt, cá, tôm, sữa, trứng, đậu lạc, vừng, dầu ăn, rau quả tươi).
Uống ít nhất 02 lít nước mỗi ngày, bao gồm (sữa, nước hoa quả, nước lọc) cho đến hết thời kỳ cho con bú. Không nên ăn mặn, nên thay đổi món để ngon miệng; không hút thuốc lá, uống rượu, bia; không uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc.
Nên có chế độ ăn hợp lý để tránh táo bón mà không nên dùng thuốc; cần bổ sung viên sắt/folic, uống mỗi ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai đến hết 6 tuần sau sinh, tối thiểu uống trước sinh 90 ngày.
Trẻ được sinh ra đến 6 tháng tuổi, bà mẹ hãy cho bé bú mẹ trong vòng 1 giờ sau khi sinh để tận hưởng nguồn sữa non - những giọt sữa đầu tiên này đóng vai trò như một liều vắc xin đầu tiên cho trẻ, giàu vitamin A, kháng thể và các thành phần bảo vệ khác.
Trong vòng 6 tháng đầu đời, nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, không cần bổ sung thêm nước, sữa bột hoặc thức ăn khác, sữa mẹ có đủ nước và mọi chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong 6 tháng đầu như protein, chất béo, các vitamin, và nhiều khoáng chất. Sữa mẹ có đầy đủ DHA/ARA giúp não bộ bé phát triển tối đa. Sữa mẹ sẽ càng tiết ra nhiều hơn khi mẹ cho con bú nhiều hơn.
Nếu bà mẹ cho trẻ uống thêm nước hay sữa bột hoặc các chất khác sẽ khiến trẻ không muốn bú sữa mẹ, làm giảm đáng kể lượng dưỡng chất hấp thụ được từ sữa mẹ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh từ nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc bình nước trẻ bú.
Với 540 ngày vàng, khi trẻ từ 6-24 tháng tuổi, trong thời gian này vẫn cần tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ tiếp tục cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khi từ 6-12 tháng tuổi và từ 12-24 tháng, sữa mẹ cung cấp ít nhất một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Ngoài ra, sữa mẹ còn tiếp tục cung cấp các yếu tố kháng khuẩn bảo vệ trẻ khỏi mắc nhiều loại bệnh, mang lại sự gần gũi và gắn bó giúp trẻ phát triển tâm lý. Tuy nhiên, sau 6 tháng tuổi, trẻ cần được học cách ăn bột đặc hay các thức ăn nghiền.
Theo đó, nên cho trẻ ăn bổ sung từ lỏng tới đặc (thời gian tập cho ăn bột loãng chỉ từ 2-3 ngày, sau đó cho ăn đặc), từ ít tới nhiều, tập cho trẻ ăn quen dần với thức ăn mới; số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị cho trẻ.