Chăm sóc mai sau tết

CHÂU NỮ 06/03/2015 09:22

Khi người chơi mai ngày càng nhiều hơn, “nghề” chăm sóc mai sau tết ở TP.Tam Kỳ cũng nở rộ. Vườn của những người chăm mai trở nên nhộn nhịp y hệt những ngày giáp tết.
Khoảng từ mùng 10 - 20 tháng Giêng âm lịch, những người chơi mai tết nhưng không có thời gian và thiếu kinh nghiệm lại chở mai đến gửi ở vườn của những người có tay nghề nhờ chăm sóc để có một cây mai trổ đúng dịp tết năm sau. Vì thế, trong những ngày này, vườn của nhiều nghệ nhân chăm mai ở Tam Kỳ cũng trở nên nhộn nhịp và chật chội. Trước tết, họ bận rộn với việc lặt lá thì sau tết, họ cũng bận rộn với việc nhận hàng và bắt tay vào việc dưỡng mai, chăm sóc mai. Anh Nguyễn Liễn ở phường Hòa Thuận (Tam Kỳ) đã có hơn 5 chăm mai cho biết: “Chăm sóc mai tưởng chừng đơn giản nhưng để hoa trổ đúng dịp tết, rồi tạo dáng sao cho đẹp là điều không dễ. Năm thời tiết không thuận lợi, chỉ có 70% số mai mình chăm trổ đúng tết là xem như thành công và đáng mừng rồi”. Nhu cầu gửi mai cho người chăm sóc khá cao, người chăm mai ở Tam Kỳ cũng nhiều, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, chăm sóc mai sau tết vẫn chưa trở thành nghề “hái ra tiền”. Bởi đa số đều nhận chăm mai miễn phí cho người quen, bạn bè hoặc chỉ nhận một vài trăm nghìn để bù đắp chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu. Các trường hợp khác, tiền công chăm một cây khoảng 400 - 500 nghìn đồng, tùy cây mai lớn hay nhỏ.

Anh Nguyễn Liễn lặt hoa và nụ mai. Ảnh: CHÂU NỮ
Anh Nguyễn Liễn lặt hoa và nụ mai. Ảnh: CHÂU NỮ

Dù nhiều người gửi chăm nhưng thiếu nhân công và chỗ để nên mỗi năm anh Liễn chỉ nhận chăm sóc 50 - 60 cây, chủ yếu của anh em cơ quan và người quen. Tuy từ chối khách hàng nhưng hầu hết người chăm mai ở Tam Kỳ đều sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ bí quyết chăm mai. Ví như hồng diệp mai phải chăm thế nào, thanh mai phải chăm ra sao; chăm mai trồng trong đất khác mai trồng trong chậu thế nào; thời điểm lặt lá của mai búp lớn khác với mai búp nhỏ ra sao; tùy thời tiết nóng - lạnh mà chọn thời điểm lặt lá mai thích hợp và phải quan sát búp mai, những cây  mai búp tròn thường trổ chậm hơn mai búp dẹt nên phải lặt lá trước... Đúng là “nghề chơi cũng lắm công phu”!

Anh Long - người chăm mai có thâm niên gần 15 năm ở phường An Xuân chia sẻ, có rất nhiều tài liệu hướng dẫn chăm sóc mai, kể cả trên mạng nhưng quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm nên mình phải hướng dẫn kỹ lưỡng để người chơi mai có được cây mai đẹp chưng vào tết năm sau. Quả thật, khi gõ “chăm sóc mai” trên Google, chưa đầy 1 giây đã hiện ra hơn 30 nghìn kết quả nhưng không phải ai làm theo hướng dẫn trên mạng cũng thành công. Anh Huỳnh Huy Danh ở phường Hòa Thuận cho biết, anh mới chơi mai vài ba năm trở lại đây và học cách chăm sóc mai theo hướng dẫn trên Internet nhưng mai trổ không đúng tết. Năm vừa rồi, anh bỏ ra 500 nghìn đồng nhờ người chăm sóc, đến tết có được chậu mai như ý, nên năm nay tiếp tục gửi mai nhờ chăm sóc.

Ở Tam Kỳ, hồng diệp mai có xuất xứ từ Bình Định được nhiều người chọn chơi. Có người cho rằng hồng diệp mai khó chăm hơn thanh mai ở xứ Quảng quê mình, nhất là trong năm đầu tiên sau khi mua về, nên ít nhận chăm, sợ không ra hoa đúng dịp tết, hoặc ra hoa ít. Nhưng theo anh Liễn, hồng diệp mai tương đối dễ chăm nếu chăm quen và có chút kinh nghiệm. Theo những người chăm sóc mai, để mai trổ hoa đẹp vào năm sau, từ mùng 8 tết trở đi, nhất định phải đem mai ra ngoài trời để tiếp xúc với ánh nắng, cho cây quang hợp tốt. Sau đó cắt bỏ hết hoa và nụ, cắt tỉa cành nhánh để tạo dáng. Đề phòng người bán mai dùng thuốc kích thích để ra hoa nên phải thay đất trong chậu bằng đất phù sa, bón phân, tưới đủ nước. Vì vậy, sau tết chính là khoảng thời gian bận rộn nhất của người chăm mai. Thời điểm này sương mù cũng thường xuất hiện, sâu bọ dễ sinh sôi nên phải theo dõi thường xuyên để phun thuốc trừ sâu kịp thời. Anh Nguyễn Năm ở phường An Mỹ cũng là người chăm mai mát tay và anh cũng chỉ nhận chăm sóc mai của những người quen biết vì anh cũng khá bận rộn với việc cơ quan, chỉ có thể chăm sóc ngoài giờ hành chính. Nhờ chăm mai từ năm này qua năm khác nên đa số các anh đều biết rõ “tính nết” của từng cây mai để có cách chăm phù hợp.

Tuy có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong việc chăm mai nhưng chưa ai nhận mình có nghề chăm mai thực sự. Nói như anh Liễn, anh Long, anh Năm và nhiều người khác, chăm mai là sở thích, là thú vui. Chăm mai, không chỉ để cho mai có hoa đẹp, nở rộ vào dịp tết mà còn phải biết tạo thế cho cây. Đa số người chơi mai quan niệm, ngọn mai vươn lên mới gọi là đẹp và đem lại sự may mắn cho gia chủ nên những người chăm mai thường tạo thế theo ý người chơi. Và, dù rất ít nhưng cũng có chuyện không may xảy ra khi trong quá trình chăm, cây mai bị chết. “Chuyện xui xẻo là điều không ai muốn nhưng mình rất áy náy. Khách hàng cũng hiểu và thông cảm chứ không bắt đền. Rất may, trường hợp mai chết rất ít xảy ra” - anh Liễn nói.

Với những người nhận chăm mai, bảo dưỡng cả năm cho khách hàng để rồi trong những ngày xuân về tết đến, mai trổ rổ hoa, được khách hàng hài lòng, là niềm vui.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm sóc mai sau tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO