Chăm sóc mẹ trong và sau thời gian mang thai để “mẹ tròn con vuông” và chăm sóc trẻ sơ sinh để bé có sức khỏe tốt nhất luôn là mối quan tâm của nhiều gia đình và các bà mẹ trẻ.
Nhiều thai phụ quan tâm đến các buổi tư vấn chăm sóc sức khỏe mẹ và bé do Khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tổ chức. Ảnh: C.N |
Chuyện “thời sự” hậu sản
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết, trong những buổi tư vấn tiền sản do khoa phụ sản tổ chức, nhiều chị em thường nhờ tư vấn và thảo luận sôi nổi về cách chăm sóc mẹ và bé trong thời gian mang thai và sau sinh. Điều đó cho thấy, phụ nữ quan tâm cập nhật thông tin liên quan đến thai kỳ, quá trình vượt cạn và chăm sóc con cái.
Nhiều bà mẹ băn khoăn không biết nên sinh thường hay sinh mổ; có người lăn tăn có nên vắt sữa để sữa “sống” thành sữa “chín” như lời khuyên trong dân gian hay không... Bác sĩ Kiều Trinh nói: “Sự thực thì đây là những lời khuyên của những người làm “nghề” vắt sữa. Ở Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, có người đưa cả card visit quảng cáo nghề này”. Theo bác sĩ Kiều Trinh, ngay những giờ đầu bú mẹ, động tác mút vú của trẻ làm cho sữa tiết ra và cứ thế bà mẹ cứ tiếp tục cho bú sẽ ra sữa. Có trường hợp vi khuẩn ký sinh trên tay người vắt sữa, sẽ dẫn đến viêm vú, áp xe vú và người mẹ mất sữa.
Có người còn băn khoăn có nên hơ lửa, nằm than như lời khuyên của các bà, các mẹ thế hệ trước hay không. Lời khuyên của bác sĩ là không nên vì như vậy dễ ngộ độc khí CO2 do than đốt. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã tiếp nhận trường hợp cả sản phụ và trẻ sơ sinh nhập viện vì ngộ độc khói than. Trước đó, cũng có một trường hợp phải nhập viện vì bị rớt vào nồi than làm bỏng cả vùng lưng. Da của em bé còn rất non nớt, than nóng sẽ làm bé dễ bị bỏng. Chưa kể nhiều trường hợp nằm than làm cho bé bị rôm sảy, nặng thì nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. “Muốn giữ cho cơ thể ấm áp, các mẹ bầu và sản phụ có thể mặc đồ ấm, mang bao tay, tất chân, dùng máy sưởi, chườm túi cao su có nước ấm cũng là cách giữ ấm và giảm mỡ bụng an toàn. Bên Đông y, việc thoa rượu gừng, rượu nghệ có tác dụng giữ ấm, làm đẹp da và giảm mỡ bụng hiệu quả. Ngoài ra, các mẹ bầu có thể sử dụng các loại lá tươi hoặc khô như: bưởi, chanh, sả, gừng, tía tô, bạc hà, ngải cứu, ổi, hương nhu, kinh giới, quế... Một nồi lá xông như vậy cũng mang đến cảm giác dễ chịu, giảm mệt mỏi cho những ngày ở cữ” - bác sĩ Kiều Trinh khuyên.
Dịch vụ chăm sóc tại nhà
Theo quy định, bên cạnh trang thiết bị đạt chuẩn, điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở ở Quảng Nam chưa được cấp phép vẫn cung cấp dịch vụ chăm sóc mẹ bầu, mẹ và bé sau sinh tại nhà như trung tâm iVenus, Happy Mums Quế Sơn, Happy Mums Núi Thành… |
Trước đây, việc chăm sóc thai sản phụ và trẻ sơ sinh hầu hết được các gia đình tự thực hiện. Hiện nay, khi điều kiện sống đã thay đổi, cộng với việc các bà mẹ trẻ có nhận thức đầy đủ hơn về an toàn trong chăm sóc trước, trong và sau sinh… nên nhiều người đã tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Tại Quảng Nam, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé tận nhà cũng đã bắt đầu xuất hiện.
Theo bác sĩ Huỳnh Thế Vịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, sở đã cấp phép hoạt động đối với 1 cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà theo quy định tại điều 34 Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh. Đó là Trung tâm Chăm sóc sức khỏe mẹ và bé Phúc Mẫu (thường gọi là Trung tâm Happy Mums Tam Kỳ). Bà Nguyễn Thị Hồng Nguyệt - phụ trách trung tâm, giảng viên khoa sản Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, làm trong ngành y nên chị hiểu sự cần thiết của việc chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau sinh. Trung tâm Happy Mums Tam Kỳ hiện có gói massage và chăm sóc phụ nữ mang thai, sau sinh; chăm sóc trẻ toàn diện sau sinh và không có bất cứ chi nhánh nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh, massage là sợi dây vô hình gắn kết mẹ và bé sơ sinh. Đó được coi như là một trong những thú vui đơn giản nhưng vô cùng tốt đối với sức khỏe của em bé. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng massage giúp bé có nhịp thở đều đặn nhẹ nhàng hơn, thúc đẩy kích thích sự tăng trưởng, xây dựng bộ não của bé thêm hoàn thiện, nâng cao sự phát triển của hệ thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch cho bé, giúp bé thư giãn, giảm nhanh đau bụng, táo bón... “Massage không chỉ đem lại cảm giác hạnh phúc cho bé, mà còn cải thiện chứng trầm cảm và giảm căng thẳng cho mẹ. Điều này cũng giúp bố mẹ gắn bó tình cảm và dễ dàng hiểu được tín hiệu biểu đạt của bé hơn” - lời bác sĩ Kiều Trinh.
CHÂU NỮ