Lớp tư vấn về bệnh lý phụ khoa thường gặp và vai trò của tầm soát ung thư cổ tử cung do Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam tổ chức vừa qua nhằm cung cấp thông tin liên quan vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh tư vấn về bệnh lý phụ khoa tại Khoa Phụ sản BVĐK tỉnh. Ảnh: C.NỮ |
Các bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm phụ khoa, rối loạn kinh nguyệt, ung thư phụ khoa, rối loạn tiền mãn kinh, các bệnh liên quan đến thai nghén... thường gặp và xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ. Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản BVĐK Quảng Nam thông tin, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, gần 90% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh phụ khoa và tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh tăng theo từng năm. Tuy nhiên, bệnh lý phụ khoa luôn được xem là vấn đề tế nhị, “khó nói” cho nên phụ nữ thường ngại đi khám. Chỉ đến khi bệnh nặng, họ mới tìm đến bác sĩ. Tại buổi tư vấn, nhiều chị em ngại trao đổi công khai mà chỉ trò chuyện riêng với bác sĩ chuyên khoa. Theo bác sĩ Kiều Trinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa như do nấm, vệ sinh không đúng cách, sinh hoạt tình dục không an toàn, nạo hút thai nhiều lần, sinh nở nhiều lần, lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ, nhiễm khuẩn dị vật âm đạo...
Vấn đề được nhiều phụ nữ quan tâm là bệnh ung thư cổ tử cung được bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc - Phó Trưởng khoa Phụ sản BVĐK Quảng Nam chia sẻ cặn kẽ, từ triệu chứng, nguyên nhân đến cách phòng ngừa. Bác sĩ Hồng Ngọc thông tin, ung thư cổ tử cung có mức phổ biến đứng hàng thứ tư trong các loại ung thư và đứng thứ hai về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư ở phụ nữ. Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung không có triệu chứng cụ thể. Bác sĩ Hồng Ngọc cho biết, bệnh tiến triển âm thầm trong khoảng 10 năm từ giai đoạn đầu đến khi có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện. Triệu chứng thường gặp ở người bị ung thư cổ tử cung là tiết dịch âm đạo bất thường; chảy máu âm đạo bất thường, đặc biệt là các lần ra huyết sau quan hệ tình dục. Ngoài ra, có thể có triệu chứng đau vùng chậu, rối loạn kinh nguyệt; khó chịu khi tiểu; tiểu không kiểm soát; mệt mỏi liên tục… và thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau. Vi rút HPV (human papilloma virus) là nguyên nhân hàng đầu (chiếm khoảng 90%) gây ung thư cổ tử cung và vi rút này chủ yếu lây truyền qua đường tình dục.
Theo bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc, điều trị ung thư cổ tử cung rất tốn kém về thời gian và tiền bạc nên việc dự phòng là rất quan trọng. Bệnh có thể phòng tránh và điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư, giai đoạn sớm hoặc chủ động phòng ngừa. Theo đó, có thể dự phòng sơ cấp bằng cách tiêm phòng HPV; dự phòng thứ cấp là tầm soát tế bào ung thư cổ tử cung hoặc xét nghiệm HPV hoặc thực hiện cả hai. Bác sĩ Hồng Ngọc khuyến cáo, độ tuổi tiêm phòng HPV là từ 9 đến 26 tuổi. Như vậy, bên cạnh tiêm phòng HPV, để dự phòng ung thư cổ tử cung, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm phát hiện ung thư cổ tử cung sớm. Tương tự, đối với viêm nhiễm phụ khoa, theo bác sĩ Kiều Trinh, phụ nữ cần trang bị cho mình kiến thức để phòng bệnh; nếu khám phụ khoa định kỳ, sẽ tránh được căn bệnh này. Cần lưu ý, khi có các triệu chứng viêm nhiễm phụ khoa như âm đạo có tiết dịch bất thường, cơ quan sinh dục ngứa, rát, đau đỏ, có các nốt, vết loét; khi đi tiểu thấy đau, buốt; đau bụng dưới; chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt… phụ nữ nên đi khám ngay.
CHÂU NỮ