Chăm sóc sức khỏe tâm thần

LÊ QUÂN 18/07/2023 06:09

Rối loạn sức khỏe tâm thần ngày càng phổ biến ở nhiều độ tuổi, trong khi đó hệ thống chăm sóc đang có rất nhiều khoảng trống cả ở cơ sở y tế lẫn cộng đồng...

Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam sẽ được đầu tư để chăm sóc tốt hơn người bệnh đang điều trị. Ảnh: M.L
Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam sẽ được đầu tư để chăm sóc tốt hơn người bệnh đang điều trị. Ảnh: M.L

Khoảng trống

Nhận định từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay ở tất cả quốc gia, tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần (SKTT) rất phổ biến. Khoảng 1/8 người trên thế giới sống chung với rối loạn tâm thần. Tỷ lệ của các rối loạn tâm thần khác nhau thay đổi theo giới tính và tuổi tác. Ở cả nam và nữ, rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm là phổ biến nhất.

Bên cạnh đó, tâm thần phân liệt xảy ra ở khoảng một trong 200 người lớn, là mối quan tâm hàng đầu đối với sức khỏe. Những người bị tâm thần phân liệt hoặc các tình trạng SKTT nghiêm trọng khác chết sớm hơn trung bình từ 10 đến 20 năm so với dân số chung.

Tuy nhiên, việc đầu tư để chăm sóc SKTT lại không được coi trọng. Theo WHO, các quốc gia trung bình dành ít hơn 2% ngân sách y tế cho SKTT. Chưa kể, khoảng một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia nơi chỉ có một bác sĩ tâm thần phục vụ 200 nghìn người trở lên.

Các loại thuốc hướng thần thiết yếu bị hạn chế, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp. Hầu hết những người được chẩn đoán có tình trạng SKTT không được tiếp cận điều trị.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng.

Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở chuyên khoa tâm thần dưới mức đầu tư, nhân lực chuyên môn thiếu và yếu, hệ thống cung cấp dịch vụ không đầy đủ, không toàn diện, không đảm bảo tính hệ thống cũng như sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại.

Bên cạnh đó, sự phối hợp, hợp tác liên ngành, đa lĩnh vực chưa thực hiện, chính sách thu hút nhân lực về tâm thần chưa phù hợp, thiếu văn bản luật pháp và hạn chế trong giám sát thực thi luật. Chưa kể, chăm sóc SKTT chưa được chú trọng đến một số nhóm đặc biệt như trẻ em, vị thành viên, phụ nữ, người cao tuổi...

Thiếu nhân lực

Quảng Nam hiện có 8.628 người bị bệnh tâm thần các thể, trong đó có 592 người bị bệnh tâm thần đặc biệt nặng. Ngoài Bệnh viện Tâm thần là cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị các bệnh liên quan đến SKTT thì Quảng Nam còn có Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “mô hình trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam” với tổng mức hỗ trợ là 19 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp ngân sách Trung ương.

Cơ sở này đang tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho 290 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí mãn tính, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa.

Về hướng lâu dài, ngoài chăm sóc tại chỗ, trung tâm sẽ phải xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp người khuyết tật thần kinh, tâm thần và người rối nhiễu tâm trí tại trung tâm và tại cộng đồng có nhu cầu cũng như tổ chức giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp, trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với đánh giá.

Tuy nhiên, nếu Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam đang bắt đầu có những đầu tư thích đáng thì tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam lại gặp rất nhiều khó khăn.

Đại diện bệnh viện cho biết, hiện chỉ có 7 bác sĩ làm việc, trong đó chỉ có 4 bác sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ điều trị, trong khi quy mô giường bệnh điều trị nội trú tại viện là hơn 100 giường. Chưa kể các khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, nhân lực đang là vấn đề tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam.

“Lực lượng bác sĩ quá mỏng, nhiều năm liền chỉ có 2 bác sĩ mới về theo điều chuyển từ Sở Y tế. Theo quy định, một bác sĩ phụ trách 10 bệnh nhân nhưng tại đây mỗi bác sĩ có thể phụ trách đến 40 giường bệnh.

Thiếu trang thiết bị điều trị đã đành, đối với những thiết bị như máy siêu âm, X-quang hay các máy móc cận lâm sàng tại bệnh viện cũng đã quá cũ, hỏng hóc và xuống cấp không sử dụng được” - một bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần chia sẻ.

Hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến để hoàn thiện đề án Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023 - 2030. Đây chính là động thái để từng bước cải thiện năng lực chăm sóc y tế đối với các vấn đề về SKTT đang ngày một gia tăng do các tác động của môi trường, điều kiện sống...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm sóc sức khỏe tâm thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO