Công nghệ kỹ thuật số đang bắt đầu thay đổi các phương pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe tại khu vực Đông Nam Á.
Số hóa trong y tế được mong đợi cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: biovoicenews.com |
Theo các nghiên cứu, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam Á xuất phát từ 3 yếu chính: dân số già hóa, tăng dân số và tầng lớp trung lưu. Việc ứng dụng số hóa đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều nước trong khu vực đối mặt với các thách thức từ tình trạng quá tải trong các bệnh viện, liên quan đến nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và tài chính.
Số hóa trong y tế được đánh giá mang nhiều lợi ích cho các bác sĩ và bệnh nhân nhờ sự tiện lợi, dễ tiếp cận. Trong khi đó, số người truy cập internet, sử dụng thiết bị điện thoại thông minh tăng mạnh tại khu vực. Amelia, một bệnh nhân tại Indonesia cho biết, nhờ vào những ứng dụng chăm sóc sức khỏe đơn giản trên điện thoại thông minh đã giúp cô tiết kiệm thời gian xếp hàng chờ khám, đặc biệt ở những cơ sở y tế quá đông bệnh nhân. Hơn thế nữa, cuộc trò chuyện trực tuyến qua hình ảnh trên thiết bị thông minh giúp bác sĩ có thể kiểm soát quá trình điều trị hàng ngày của bệnh nhân như cô.
Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều khởi nghiệp (startup) phát triển ứng dụng số hóa trong chăm sóc sức khỏe tại nhà thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Tại Việt Nam, bằng ứng dụng Jio Health trên thiết bị thông minh, khách hàng có thể chủ động lựa chọn bác sĩ, đặt lịch hẹn khám tại nhà, trực tuyến hoặc tại phòng khám Jio Health. Tại Indonesia, cổng thông tin Alodokter ra đời vào năm 2014 của nhà khởi nghiệp Nathanael Faibis hiện là cổng thông tin trực tuyến về sức khỏe hàng đầu. Dịch vụ này cung cấp nguồn thông tin dễ hiểu, chính xác về mặt khoa học trong lĩnh vực sức khỏe, nhiều bài viết về sức khỏe và dữ liệu đầy đủ về thuốc và bệnh. Tuy không thể thay thế sự tư vấn của bác sĩ, dịch vụ cũng có thể cung cấp thông tin để giúp cho bệnh nhân có quyết định tốt hơn liên quan đến sức khỏe của họ.
Quy mô rộng hơn, việc ứng dụng số hóa, đặc biệt trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được nhiều bệnh viện lớn trong khu vực tiến hành. Bệnh viện quốc tế Bumrungrad của Thái Lan đang triển khai ứng dụng công nghệ AI, cụ thể là công nghệ Watson for Oncology hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư trên nền tảng điện toán biết nhận thức của IBM. Qua đó giúp tóm tắt được đặc điểm y tế chính của bệnh nhân, cung cấp thông tin cho bác sĩ, sắp xếp lựa chọn phác đồ điều trị, từ đó các bác sĩ có thể lựa chọn phác đồ điều trị mới nhất, phù hợp nhất cho từng người bệnh.
Trường y tế cộng đồng Saw Swee Hock và Cơ quan Môi trường quốc gia của Singapore phát triển ứng dụng AI có thể dự báo tỷ lệ dân số mắc bệnh sốt xuất huyết trong vòng 4 tháng tiếp theo nhằm giúp cơ quan chức năng kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Theo tờ ASEAN Post, Singapore cũng là nước đầu tiên ở khu vực đưa ra hệ thống hồ sơ y tế điện tử công cộng, cho phép chia sẻ hồ sơ y tế bệnh nhân trong hệ thống y tế quốc gia. Còn theo đánh giá của chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 2 ở châu Á thực hiện phẫu thuật cột sống bằng rô bốt định vị chính xác Renaissance.
Các chuyên gia ước tính, thị trường chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á tăng hơn 20% trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020 và thị trường này sẽ đạt tới 100 tỷ USD vào năm 2020.
QUỐC HƯNG