(QNO) - Tháng 11.2020, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (Đà Nẵng) triển khai dịch vụ “Chăm sóc toàn diện - Không phiền người nhà”, đến nay chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực của bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Theo bà Trần Thị Hằng - Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Gia Đình, khi thân chủ được chăm sóc toàn diện tại Bệnh viện Gia Đình, ngoài việc thực hiện các y lệnh điều trị từ bác sĩ, điều dưỡng sẽ hoàn toàn đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc cho người bệnh.
Từ những công việc như hỗ trợ vận động, xoa bóp, phục vụ ăn uống bữa chính, bữa phụ đến vệ sinh, tắm rửa, đánh răng, gội đầu... đều được điều dưỡng trực tiếp thực hiện hay hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh thực hiện tùy vào cấp độ chăm sóc của người bệnh mà không phiền đến người nhà. Đặc biệt, phải làm sao để người bệnh cảm nhận được họ đang được đối xử như người nhà.
Để làm được những điều này, điều dưỡng Bệnh viện Gia Đình thường xuyên được tham gia các buổi huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, kể cả đào tạo kỹ năng mềm, giao tiếp…
Dù vậy, khi mới triển khai, đại đa số người dân vẫn còn e ngại với dịch vụ chăm sóc toàn diện. Bên cạnh đó, tâm lý người Việt vẫn còn cho rằng khi ốm đau vợ/chồng phải chăm sóc cho nhau, con cái phải trực tiếp chăm sóc, quan tâm lo lắng đến bệnh tình, sức khỏe của cha mẹ như vậy mới yên tâm và thể hiện được tình cảm, sự báo hiếu. Chính vì vậy người bệnh sử dụng dịch vụ chăm sóc toàn diện nhưng vẫn muốn được ở bên cạnh người thân trong bệnh viện.
“Bệnh nhân luôn cảm thấy có người thân, con cái bên cạnh mới yên tâm, đó là sự thể hiện và ghi nhận tình cảm khó thay thế được. Thế nhưng, khi con cái, người thân quá bận rộn và không thể túc trực, thì ngược lại, điều dưỡng có thể ở bên mọi thời điểm, chia sẻ, trò chuyện, nắm bắt được tâm lý, giải tỏa những lo lắng về bệnh tật, báo cáo với bác sĩ về tình hình diễn biến bệnh kịp thời, nên chăm sóc toàn diện thực sự cần thiết.
Chưa kể, với một số bệnh nhân vận động bị hạn chế, những công việc như vật lý trị liệu, xoa bóp, trở người... người thân khó có khả năng thực hiện. Tham gia chăm sóc toàn diện, tất cả công việc trên đều được thực hiện bởi nhân viên y tế, gia đình không phải dành thời gian quá nhiều bên cạnh bệnh nhân để làm những việc không phải là chuyên môn của mình” - bà Trần Thị Hằng chia sẻ.
Đặc biệt, dù không ở tại viện nhưng thân nhân luôn luôn nắm được tình trạng của người thân. Bệnh nhân luôn được nhân viên y tế thông tin tình trạng bệnh, diễn biến tâm lý, sức khỏe của bệnh nhân. Để bệnh nhân có tâm lý điều trị tốt, rút ngắn thời gian điều trị là thành công lớn nhất của một điều dưỡng chăm sóc toàn diện.
Đã có rất nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Gia Đình điều trị, khi xuất viện lưu luyến, bịn rịn với điều dưỡng chăm sóc. Đến nay, qua hơn 6 tháng hoạt động, chương trình ngày càng nhận được nhiều đánh giá tích cực của bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Mắc bệnh, nhập viện, điều trị không chỉ là nỗi đau của bệnh nhân mà còn là nỗi vất vả, lo lắng của người thân, nhất là khi bệnh nhân cần phải điều trị trong thời gian dài, cần được chăm sóc tỉ mỉ mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đáp ứng.
“Chăm sóc toàn diện - Không phiền người nhà” được xây dựng, phát triển chính từ những trăn trở đó. Cho đến nay, Ban Giám đốc bệnh viện vẫn không ngừng cải tiến, hoàn thiện mô hình để mang lại ngày càng nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh.