Theo số liệu của Phòng LĐ-TB&XH huyện, Tiên Phước có hơn 17.700 trẻ em từ 0 đến 6 tuổi. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi là 5.865 em, hơn 750 trẻ sống trong điều kiện gia đình khó khăn, nghèo và cận nghèo. “Nhiều năm nay, các vấn đề nảy sinh trong xã hội hiện đại tác động đến trẻ em như bạo lực gia đình, ma túy, nghiện game online… xuất hiện và có nguy cơ phát triển mạnh không chỉ ở thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Thọ… mà cả xã vùng sâu, vùng xa Tiên Hiệp, Tiên Cẩm… Những người làm công tác chăm sóc trẻ em đã nỗ lực rất nhiều, bằng mọi phương pháp để hạn chế những hệ lụy xã hội đến trẻ em”- ông Tăng Ngọc Đức, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước chia sẻ.
Một lớp tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em do Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức. Ảnh: C.T.A |
“Có thể nói, Tiên Phước được đánh giá là huyện có công tác truyền thông mạnh và hiệu quả so với những huyện, thành phố có điều kiện kinh tế xã hội, địa lý thuận lợi hơn” - bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), nói. Các lớp tập huấn, cuộc họp được tổ chức về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đều được phụ huynh, trẻ em quan tâm tham gia đầy đủ, dù đường sá gập ghềnh xa xôi, khó đi. Năm 2014 đã có hơn 600 phụ huynh ở các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Sơn tham gia lớp tập huấn về trẻ em do Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Chương trình phát triển vùng tổ chức. “Từ những lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc trẻ mà nhận thức về phương pháp giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho trẻ… của mọi người đã nâng cao rõ rệt” - bà Tô Thị Mỹ Thanh, cán bộ phụ trách công tác chăm sóc trẻ em huyện, chia sẻ.
Với các em, việc trang bị kỹ năng sống là một trong những hoạt động được các ban ngành, đoàn thể đặc biệt chú trọng. Một số lớp tập huấn về kỹ năng sống cho trẻ em với sự tham gia của học sinh cá biệt đã được tổ chức tại thị trấn Tiên Kỳ. Sau thành công của những lớp tập huấn này, dự kiến trong năm 2015 học sinh và phụ huynh ở các xã khác cũng sẽ được thụ hưởng từ các lớp tập huấn tương tự. “Ngoài ra, là một huyện có nhiều sông suối, thác nên số trẻ em bị đuối nước khá cao. Trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cũng là công tác được đặc biệt chú ý. Năm 2014, Hội Chữ thập đỏ, Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ ở một số xã, xây dựng bể bơi tại Trường Tiểu học Kim Đồng để các em điều kiện phòng chống thương tích, hạn chế nguy cơ đe dọa đến tính mạng” - bà Tô Thị Mỹ Thanh nói thêm. Nhiều công trình phục vụ hoạt động thể thao, giải trí dành cho mọi lứa tuổi trong đó có trẻ em cũng được đầu tư mở rộng. Riêng năm nay, đã có 3 sân bóng đá mi ni tại trung tâm thể thao huyện, 3 sân cầu lông tại nhà thi đấu đang xây dựng. “Dự án ấp ủ và chắc chắn thực hiện từ đây đến năm 2020 là xây dựng khu vui chơi, giải trí như sân bóng chuyền, bóng đá quy mô nhỏ, bể bơi di động… dành cho trẻ em tại các thôn, xã. Đất đã được quy hoạch sẵn, khi có kinh phí sẽ bắt tay thực hiện ngay” - anh Tăng Ngọc Đức, cho hay.
Dựa theo tiêu chí đánh giá xã phường phù hợp với trẻ em thì đến nay, huyện Tiên Phước đã có 15/15 xã đạt tiêu chí xã phường phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, dù đạt nhưng gần như những người làm công tác chăm sóc trẻ em ở huyện Tiên Phước đều cảm thấy áy náy và hoàn toàn không hài lòng. Bởi, điểm chấm dù rất cao nhưng trong năm 2014, tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích, bị bạo lực, bị xâm hại vẫn còn xảy ra. Theo số liệu khảo sát, năm 2014, huyện Tiên Phước có 42 trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 3 tử vong do đuối nước và bị ong cắn. “Khi cần hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan ban ngành để trợ giúp trẻ em, chúng tôi nhận được sự nhiệt tình của các đơn vị. Những con số về trẻ được vui chơi, giải trí, phát triển thể chất và tinh thần có tăng qua các năm là niềm vui của những người làm công tác chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, làm sao hạn chế và giảm đến mức thấp nhất những nguy hại cho trẻ là điều mà chúng tôi rất băn khoăn và cần sự hỗ trợ hơn nữa từ nhiều phía”- ông Tăng Ngọc Đức bộc bạch.
CHIÊU THỤC ANH