Chăm sóc trẻ mắc quai bị

TÂM AN 07/05/2014 10:15

Mặc dù tỷ lệ bệnh quai bị ở trẻ nhỏ trong 3 tháng đầu năm giảm 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái với 41 ca mắc bệnh, nhưng các bác sĩ cộng đồng khuyến cáo nên đề phòng dịch bệnh này.

Bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi 5 - 14. Bệnh lây lan chủ yếu qua nước bọt khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể tự điều trị tại nhà, nhưng với trường hợp sốt cao, ói mửa, nhức đầu hoặc bộ phận sinh dục sưng to, cần phải lập tức đưa đến bệnh viện để được điều trị, tránh biến chứng đáng tiếc.

Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế hoặc được chăm sóc chu đáo tại nhà.ảnh: T.A
Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế hoặc được chăm sóc chu đáo tại nhà.ảnh: T.A

Mặc dù bệnh quai bị gây ra những triệu chứng khó chịu nhưng bệnh lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày. Hiện nay, chưa có một loại thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh quai bị nên ngoài việc đưa trẻ đến cơ quan y tế để kiểm tra, cần lưu ý một số điểm sau: cần cho trẻ một chế độ nghỉ ngơi hợp lý (không vận động nhiều); cho trẻ ăn uống đầy đủ với các thức ăn mềm, dễ nuốt, nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; nếu trẻ sốt hoặc quá đau, có thể cho trẻ uống thuốc giảm sốt; uống  nhiều nước, nước trái cây để bù nước. Nếu là bé trai bị mắc bệnh quai bị, nên để bé trai nằm thẳng để bìu được nâng lên. Trong tư thế nằm, tinh hoàn 2 bên sẽ được nâng và làm chỗ dựa nâng đỡ cho cả bìu; có thể sử dụng túi lạnh chườm vào vùng bìu để làm giảm cơn đau nhức.

Quai bị thường do 2 nguyên nhân: do siêu vi và do vi khuẩn. Với các trường hợp do siêu vi thì không cần phải đến bệnh viện điều trị, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày. Trong trường hợp này, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt tại nhà. Đặc biệt, cần đến bệnh viện khi có các triệu chứng đặc biệt như nôn liên tục hoặc choáng...

Ngoài việc tránh cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân bị quai bị, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên trên thực tế, việc tiêm phòng chỉ có thể phòng bệnh được khoảng 80%. Chính vì vậy, phòng bệnh và tránh lây lan là việc làm rất cần thiết.

Theo thông tin từ nhiều phụ huynh phản ánh, cá biệt một lớp học của Trường Mẫu giáo Sơn Ca (TP.Tam Kỳ) có đến 8 bé mắc quai bị. Với những trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo nên cách ly bé ở nhà, không tiếp xúc với người xung quanh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày. Làm sạch đường hô hấp bằng cách súc miệng với dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng. Hạn chế tiếp xúc với người bị  bệnh. Hạn chế tới những nơi tập trung đông người, đặc biệt tại các phòng chật hẹp nơi đang có dịch. Tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục và nghỉ ngơi hợp lý.

TÂM AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm sóc trẻ mắc quai bị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO