(Xuân Canh Tý) - Những năm gần đây, Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình nông thôn mới, nhưng thực tế vẫn chưa khai phóng hiệu quả tiềm năng và lợi thế của “kho báu” này.
Đánh thức
Hiện nay, trong số 20 điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (7 điểm được UBND tỉnh công nhận) thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm, lưu trú thì chỉ có làng rau An Mỹ (phường Cẩm Châu) và làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà) thuộc TP.Hội An nằm ở khu vực đô thị.
Từ xu thế khám phá du lịch xanh dần được ưa chuộng, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn xứ Quảng dần được đánh thức, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Doanh thu du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn chỉ đạt gần 2,2 tỷ đồng vào năm 2013 nay đạt xấp xỉ 40 tỷ đồng (năm 2018).
Lượng khách tham quan ở khu vực nông thôn cũng đạt gần 2 triệu lượt người trong tổng số hơn 7,6 triệu lượt đến Quảng Nam trong năm 2019.
Một thực tế phải nhìn nhận, những năm qua ngành du lịch Quảng Nam vẫn dựa nhiều vào 2 thương hiệu di sản Hội An và Mỹ Sơn, trong khi đó khu vực du lịch cộng đồng phát triển sôi động chủ yếu về vùng ven đô thị cổ Hội An.
Cụ thể, theo thống kê, khoảng một nửa trong số doanh thu du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh là từ điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu của xã Cẩm Thanh. Và hiện mới có khoảng 250 hộ với gần 1.000 lao động nông thôn tham gia trực tiếp kinh doanh du lịch và “sống được” nhờ ngành kinh tế không khói này.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Hiện nay, chi tiêu bình quân của khách khi đến Mỹ Sơn chỉ ở khoảng 170 nghìn đồng/người, một con số rất thấp”.
Còn ông Nguyễn Phước Hùng – Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) bộc bạch, ngoài một gian hàng sản phẩm, hàng lưu niệm được tạo điều kiện trưng bày để phục vụ khách trong khu đền tháp, mấy năm qua các hộ dân làm du lịch tại đây vẫn rất chật vật và chưa thể dựa vào du lịch để trang trải cuộc sống.
Cần chính sách phù hợp
Chúng ta không cần nóng vội, các điểm du lịch ở miền núi chỉ cần thu hút khoảng 10 nghìn lượt khách mỗi năm là ổn rồi. Điều cần làm là sớm đưa ra những giải pháp hữu hiệu để lượng khách ấy đem lại chi tiêu cao và không làm tổn thương môi trường, văn hóa của đồng bào vùng cao.
(Bà Nobuko Otsuki – Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức FIDR tại Việt Nam)
PGS-TS.Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung nhìn nhận: “Làm du lịch rất khó nhưng lợi ích mang lại vô cùng lớn đối với khu vực nông thôn. Ngoài việc tăng thu nhập cho người dân, tôi cho rằng Quảng Nam cũng như các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ hiện vẫn đánh giá chưa hết tầm, bởi nếu làm tốt và lan tỏa nó sẽ nâng tầm con người, nâng tầm xã hội lên nhanh chóng”.
PGS-TS.Trần Đình Thiên nhận định thêm, để làm du lịch ở nông thôn một cách bài bản, chúng ta không phải chỉ dựa vào vài hạng mục đường làng, cổng chào, hàng rào xanh… mà cần xác định năng lực văn hóa là hết sức quan trọng.
Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương – Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam (VETEA), HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ra nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng địa phương đến năm 2025 với nhiều mức. Cụ thể, hỗ trợ tiếp cận du lịch cộng đồng (không quá 2 tỷ đồng/điểm), xây dựng đường nội bộ (không quá 1,5 tỷ đồng/điểm), xây dựng nhà vệ sinh (không quá 100 triệu đồng/điểm)…
“Quảng Nam và các tỉnh, thành khác trong vùng cũng có thể tham khảo cơ chế hỗ trợ của Thừa Thiên Huế và đưa ra chính sách phù hợp tùy theo điều kiện và đặc trưng của địa phương mình” – ông Lương nói.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Tường cho biết, từ đầu năm 2019, Sở VH-TT&DL cũng đã bắt đầu triển khai các gói hỗ trợ cho 21 điểm du lịch miền núi theo Nghị quyết số 47/2018 của HĐND tỉnh với tổng giá trị gần 92 tỷ đồng và lộ trình hỗ trợ từ nay đến năm 2025.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, nhất là từ những tổ chức phi chính phủ quốc tế không phải là chuyện dễ dàng. Điều cần thiết nhất để giúp người dân gắn bó lâu dài với loại hình du lịch nông nghiệp chính là cho họ “cần câu” chứ không phải cho “con cá”. Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn) một thời gian dài là cái tên gây “sốt” đối với du khách nhưng đến nay vẫn loay hoay khi các nguồn lực hỗ trợ rời đi.
Trong khi đó, với những người dân ở làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (xã Tà Bhing, Nam Giang), dù chưa thu nhập nhiều nhưng họ đang đi từng bước vững chắc với một lộ trình dài hơi mà Tổ chức Cứu trợ & phát triển quốc tế (FIDR) vạch ra và đồng hành qua 4 giai đoạn xuyên suốt từ năm 2001.