Chậm thi công vì ách tắc mặt bằng

CÔNG TÚ 07/03/2017 09:10

Công tác triển khai xây dựng 2 dự án đường nối: đường cứu hộ, cứu nạn - quốc lộ 1 tại ngã ba Cây Cốc - nút đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ 14E diễn ra ì ạch do vướng mặt bằng thuộc địa bàn Thăng Bình.

Tiến độ quá chậm

Dự án đường nối từ quốc lộ 1 (ngã ba Cây Cốc) đến nút đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ (QL) 14E dài 3,8km, đi qua địa bàn thị trấn Hà Lam và xã Bình Quý (Thăng Bình). Liên danh nhà thầu thực hiện là Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam và Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam. Triển khai giải phóng mặt bằng từ nhiều tháng qua, nhưng đến cuối tháng 2.2017, địa phương mới bàn giao được 1,5km chiều dài. Song đáng nói, chiều dài mặt bằng đã bàn giao chủ yếu thuộc phần đất nông nghiệp và đất mồ mả. Còn đất ở, vật kiến trúc đoạn qua thị trấn Hà Lam chủ yếu hoàn thành kiểm đếm và hiện mới chuẩn bị áp giá và lên phương án bồi thường.

Do vướng mặt bằng, nhà thầu gói số 2 thi công cầm chừng đường từ quốc lộ 1 xuống ven biển.Ảnh: C.TÚ
Do vướng mặt bằng, nhà thầu gói số 2 thi công cầm chừng đường từ quốc lộ 1 xuống ven biển.Ảnh: C.TÚ

Từ cuối năm 2016 đến nay, Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam chỉ nhận được chiều dài vỏn vẹn khoảng 200m. Cho nên, nhà thầu muốn thúc đẩy thi công cũng không thể tiến hành. Dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1 tại ngã ba Cây Cốc dài 6,7km, được phân chia thành 2 gói thầu. Gói thầu số 1 từ km0+00 - km1+573,11 và cầu Trường Giang do Công ty TNHH Thanh Tùng đảm nhận; gói thầu số 2 từ km1+573,11 - km6+700 do liên danh Toàn Thịnh -  Nam Việt thực hiện. Theo ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư), cuối tháng 10.2016, cả 2 gói thầu này đã được ký kết hợp đồng thi công xây dựng. Nhưng đến cuối tháng 2.2017, công trình vẫn chỉ rục rịch một vài chỗ, nhất là gói số 2; còn gói số 1 không có đường vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu đi vào công trường.

Phối hợp gỡ nút thắt

Tại buổi kiểm tra thực địa mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã nghiêm khắc phê bình địa phương, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thăng Bình vì sự chậm trễ trong thủ tục đầu tư khu tái định cư xã Bình Đào. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải khẩn trương xây dựng khu tái định cư trên, có như thế mới nhanh giao đất cho người dân, hay ít ra họ cũng thấy được vị trí mình sẽ ở sau này như thế nào để đồng thuận bàn giao sớm mặt bằng. Được biết, dự án vừa nêu đi qua các xã Bình Đào, Bình Triều, Bình Phục và thị trấn Hà Lam. Công trình kết nối liên hoàn đường ven biển với QL 1, QL 14E và cao tốc. Khi đưa vào sử dụng, cung đường góp phần chia lưu lượng lớn phương tiện đang lưu thông trên QL 14E, đoạn ngã tư Hà Lam xuống vùng đông Thăng Bình hiện đã xuống cấp trầm trọng, mất an toàn giao thông.

Vậy nguyên nhân vì đâu mà công tác giải phóng mặt bằng của dự án được tiến hành từ tháng 3.2016, nhưng cuối tháng 2 vừa qua kết quả thi công chưa tiến triển là bao? Đại diện chủ đầu tư cho biết, giá trị chi trả bồi thường chỉ đạt 11,5/42 tỷ đồng tổng kinh phí dự kiến thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, số tiền chi trả dùng chủ yếu cho việc khai thông xong 4,5km mặt bằng với mồ mả, hoa màu, đất nông nghiệp thuộc đoạn giữa tuyến. Đất ở, nhà cửa, vật kiến trúc mới thực hiện công tác kiểm đếm, xác định giá, chưa phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng như thu hồi đất ở. Việc triển khai các bước nhằm xây dựng khu tái định cư xã Bình Đào để bố trí cho 17 hộ dân bị giải tỏa trắng bị chậm trễ do thủ tục giao đơn vị làm chủ đầu tư có sự thay đổi. Ban đầu, UBND huyện Thăng Bình giao cho Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất huyện. Nhưng về sau, huyện lại giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thăng Bình để đúng theo thủ tục quy định đầu tư xây dựng. Vì vậy, khu tái định cư dự kiến phải giữa tháng 3 mới triển khai thi công. Tại ngã ba Cây Cốc, nhà dân vừa xây dựng lại sau khi giải tỏa để mở rộng QL 1. Bây giờ, nơi an cư của họ lại tiếp tục bị giải tỏa để thực hiện dự án mới, vì vậy các đơn vị liên quan của huyện Thăng Bình đã nhiều lần vận động nhưng những hộ dân ảnh hưởng còn chần chừ. Vì nhiều lý do chủ quan, đoạn đầu tuyến (xã Bình Đào) và đoạn cuối tuyến (thị trấn Hà Lam) chưa hoàn thành bồi thường, tái định cư nên không có đường vận chuyển vào thi công công trình.

Trước những ách tắc gặp phải, chủ đầu tư đề nghị Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Thăng Bình chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND huyện lập bảng kế hoạch, tiến độ khai thông mặt bằng còn lại (chủ yếu trùng QL 14E) để thi công đường nối từ QL 1 tại ngã ba Cây Cốc đến nút đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL 14E hoàn thành cuối năm 2017. Đối với dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL 1, chủ đầu tư đã đề xuất các cấp có thẩm quyền thiết kế, bổ sung các đường công vụ phục vụ vận chuyển thi công kịp thời trong tháng 3. Cạnh đó, UBND huyện Thăng Bình, đơn vị thực hiện bồi thường cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao các vị trí còn lại cho nhà thầu thi công. Đặc biệt lưu ý tháo gỡ tại các vị trí “nút thắt” đoạn đầu tuyến và cuối tuyến. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, địa phương và đơn vị liên quan báo cáo ngay UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm thi công vì ách tắc mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO