Thủ tục đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) rườm rà, lòng vòng suốt 3 năm vẫn chưa thực hiện, trong khi đó, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư mới đến khai thác để tránh lãng phí tài nguyên thay vì đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Quảng Nam không được chấp nhận, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam
Ngày 10.9.2020, UBND tỉnh có Công văn số 5278 gửi Bộ Tài nguyên - môi trường (TN&MT) về việc đề nghị lựa chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu. Trong khi đó, đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đang được Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt. Trước đó, ngày 12.8.2020 Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo về đóng cửa mỏ vàng này, trong đó truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là giao Bộ TN&MT xem xét quyết định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.
Theo Sở TN&MT, trước đây Bộ TN&MT đã ủy quyền cho tỉnh thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, nhưng Chính phủ không thống nhất, đồng thời yêu cầu Bộ TN&MT phải thực hiện nhiệm vụ này. Vì chậm đóng cửa mỏ nên tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Về phía tỉnh, trước khi chờ cấp trên thực hiện đề án đóng cửa mỏ, kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu.
UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư mới để thực hiện việc thăm dò, đánh giá trữ lượng còn lại, làm cơ sở cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu thay vì quyết định đóng cửa mỏ. Lý do UBND tỉnh đưa ra đề xuất này nhằm tránh lãng phí khi sử dụng ngân sách địa phương hơn 12,6 tỷ đồng và số tiền hơn 6,4 tỷ đồng ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu để đóng cửa mỏ, trong đó thực hiện phá dỡ, bịt kín các đường lò, xử lý các bãi thải, trồng cây…, sau đó khi có nhà đầu tư mới được cấp phép khai thác lại tiến hành phá dỡ, đầu tư xây dựng lại từ đầu. Bên cạnh đó, việc quản lý khoáng sản vàng trong thực tế chỉ thực sự hiệu quả khi có một doanh nghiệp được cấp phép đứng ra tổ chức, thăm dò, khai thác và quản lý mỏ, ngăn chặn được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép từ các đối tượng bên ngoài, tránh thất thoát tài nguyên, tăng thu cho ngân sách nhà nước và giảm bớt kinh phí địa phương trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản.
Đóng cửa mỏ trước, khai thác sau
Đáp lại kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 23.10.2020 Bộ TN&MT có Công văn số 5936 trả lời rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thăm dò khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu sẽ được xem xét sau khi hoàn thành đóng cửa mỏ theo quy định. Tuy nhiên, cho rằng đã hơn 3 năm trôi qua nhưng Bộ TN&MT vẫn không thực hiện đóng cửa mỏ, nên ngày 19.11.2020 UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục có Công văn số 6802 gửi Bộ TN&MT đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Theo nội dung công văn này, kế hoạch triển khai nhiệm vụ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã được Bộ TN&MT phê duyệt năm 2017, việc lựa chọn nhà thầu thi công đề án dự kiến hoàn thành trước năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
“Quảng Nam đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành quy định nội dung, thủ tục phê duyệt, nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo thẩm quyền. Đồng thời xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện Đề án đóng của mỏ vàng Bồng Miêu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng” - nội dung Công văn 6802 của UBND tỉnh nêu.
Việc Bộ TN&MT chậm thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã biến nơi đây thành “điểm nóng” khai thác vàng trái phép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhìn nhận, từ khi giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Vàng Bồng Miêu hết hạn (tháng 3.2016) đến nay, khu vực mỏ vàng này thường xuyên mất an ninh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, UBND huyện Phú Ninh tổ chức nhiều đợt truy quét, chốt chặn, bảo vệ nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và mất an ninh trật tự vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân chủ yếu do các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép từ nhiều địa phương khác đến và một số người dân bản địa lợi dụng địa hình vùng rừng núi, diện tích mỏ vàng lớn với hệ thống đường lò phức tạp, nhiều cửa lò thông gió để khai thác trái phép, đặc biệt ở các khu vực hầm lò Núi Kẽm, khu khai thác lộ thiên Hố Gần, khu vực đập thải 3A, 3B. Trong khi lực lượng quản lý địa bàn còn mỏng, kinh phí sử dụng cho việc quản lý, truy quét bảo vệ mỏ vàng tốn kém. Thủ tục đóng cửa mỏ kéo dài đã gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an ninh trật tự tại địa phương.