Chậm trễ thu gom rác thải chợ Vĩnh Điện: Tìm giải pháp đồng thuận

VĨNH LỘC 29/12/2016 08:45

Kể từ tháng 7 đến nay việc thu gom rác tại chợ Vĩnh Điện của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - chi nhánh Điện Bàn diễn ra chậm chạp, gây mất an toàn vệ sinh khu vực chợ và các hộ dân. Xung quanh vấn đề này thế nào?

Rác tràn ra ngoài nhà chứa tại chợ Vĩnh Điện gây ô nhiễm môi trường xung quanh.Ảnh: VĨNH LỘC
Rác tràn ra ngoài nhà chứa tại chợ Vĩnh Điện gây ô nhiễm môi trường xung quanh.Ảnh: VĨNH LỘC

Chậm thu gom

Theo phản ảnh của ông Trần Văn Tho - Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn), từ khi đưa chợ Vĩnh Điện vào hoạt động (tháng 11.2011) đến nay, BQL chợ đã 4 lần ký kết hợp đồng thu gom rác thải với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam (tên cũ là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam) vào các năm 2012, 2014 và 2015 với khối lượng rác và số tiền tăng dần. Riêng hợp đồng ký năm 2015 quy định giá trị thanh toán chi phí thu gom rác mà BQL chợ phải trả cho công ty là 13 triệu đồng/tháng (tương ứng 82 khối rác thải mà công ty phải thu gom). Ngoài ra, hợp đồng cũng quy định thời gian thu gom rác của công ty tại chợ sẽ diễn ra vào các ngày thứ hai, tư, sáu và thứ bảy hằng tuần bằng xe chuyên dụng…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những bất cập khiến tiểu thương và BQL chợ bức xúc, nhất là tình trạng rác tồn đọng kéo dài gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng sau khi cơn lụt lần 2 rút khiến rác dồn ứ tại chợ thêm nhiều, nhưng việc thu gom của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - chi nhánh Điện Bàn vẫn chậm chạp. “Từ hôm thứ hai đến thứ sáu (ngày 19 đến 23.12) tôi liên tục điện thoại vào chi nhánh công ty ở Điện Bàn để họ cho công nhân ra lấy bớt rác vì lũ lụt nhiều quá, lâu ngày sẽ gây ô nhiễm môi trường dẫn đến mất an toàn vệ sinh rồi ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thức ăn… nhưng công nhân cũng chỉ vô lấy qua loa rồi bỏ đi. Mình thắc mắc thì họ nói là tình hình sau lụt rác nhiều không thể dọn hết được, khiến tiểu thương nghi ngờ BQL chợ chắc do thiếu nợ tiền công ty nên công nhân không dọn rác, do đó đổ bức xúc lây sang chúng tôi” - ông Tho phản ảnh.

Bà Trần Thị Như, nhân viên tổ thu dọn vệ sinh chợ cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên công ty trễ nãi trong việc giải quyết rác thải chợ mà tình trạng này đã kéo dài từ tháng 7 đến nay khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán kinh doanh của tiểu thương. “Lâu lâu họ mới vô  kho lấy rác một lần nên khi xới rác lên rất hôi thối khiến tiểu thương kêu ca không chịu được. Chưa nói, công nhân cũng chỉ lấy một ít rác rồi đi, mình hỏi thì họ nói xe đầy rồi do phải lấy rác ở nhiều nơi, mình nghe cũng chịu thôi chứ có biết xe đầy hay không” - bà Như kể.

Tìm sự đồng thuận

Hiện tại chợ Vĩnh Điện có khoảng 400 tiểu thương kinh doanh buôn bán thường xuyên, theo tính toán mức rác thải ra mỗi ngày khoảng 2,7 khối. Ông Trần Văn Tho cho rằng với mức rác trên không phải là quá nhiều nhưng do việc thu gom từ phía công ty môi trường không triệt để nên dẫn đến lượng rác tồn cứ tích lũy dần lên hàng ngày khiến tình trạng ô nhiễm thêm nghiêm trọng. “Nếu công ty thu gom đúng lịch trình và dứt điểm thì làm sao có rác tồn được?” - ông Tho đặt câu hỏi. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trần Vũ - Phó Giám đốc chi nhánh Điện Bàn (Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam) khẳng định, việc thu gom rác diễn ra đều đặn và đúng cam kết, đặc biệt dù không phải lúc nào cũng đúng giờ cố định nhưng luôn đúng ngày. “Thông thường ngày thứ hai khoảng 17h hoặc 18h thì xe vào; thứ tư khoảng 9 - 10h sáng; thứ sáu khoảng 20 hoặc 21h; thứ bảy là 15h. Đôi khi khối lượng rác lớn tôi vẫn điều thêm xe tới là bình thường, thậm chí hôm sau lụt chi nhánh cũng đã tăng cường cho công nhân làm cả ngày chủ nhật và điều này BQL chợ cũng đã biết” - ông Vũ nói.

Ông Vũ cho rằng, rất ít có tình trạng rác ứ đọng, nếu có chủ yếu vì 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do tổ thu gom rác trong chợ khi tập trung rác lại thường không kéo vào trong nhà chứa mà đổ đống phía trước khiến rác tràn dần ra ngoài nên khi xe tới bắt buộc phải thu gom từ ngoài vô trong, vì vậy nhìn phía ngoài tưởng nhiều rác nhưng thực chất trong hầm kho không có rác hoặc không có bao nhiêu. Thứ hai, ngoài khối lượng rác của chợ, nơi đây còn có rác của đội cảnh quan phường thu gom các nơi mang về, đặc biệt là rác từ gia đình các hộ dân xung quanh đêm đến đổ vì không tham gia đóng phí vệ sinh môi trường với công ty (hiện khu vực quanh chợ mới chỉ khoảng 50 hộ tham gia đóng phí thu gom rác).

Lý giải việc thu gom rác tại chợ luôn sau cùng, ông Vũ cho rằng do rác tại chợ thường hôi thối và nhiều nước nên không thể thu gom đầu tiên vì khi vận chuyện sẽ chảy nước ra đường gây mất vệ sinh. “Dù xe của công ty chở được 15 khối nhưng không thể dành riêng một chiếc để chở rác cho chợ được vì chúng tôi kinh doanh phải tính toán. Riêng tình trạng rác ứ vừa rồi là do bão lụt làm phát sinh đột biến nên chúng tôi phải giải quyết từ từ, thực tế nay cũng đã xong. Còn chuyện BQL chợ phản ánh rác ứ chủ yếu nằm ở thời điểm ngoài lịch thu gom nên anh em công nhân chưa đi chứ không phải không thu gom. Nói chung BQL chợ thì yêu cầu xe vào từng ngày chở rác để tiểu thương ngồi buôn bán vệ sinh sạch sẽ, đây cũng là điều chính đáng thôi nhưng lại khó cho chúng tôi và cũng không đúng với hợp đồng. Mà mình không vào thu gom thì tổ vệ sinh chợ lại đổ rác ra trước nhà kho, đúng ra phải đổ bên trong chứ, nên dẫn đến hôi thối khiến tiểu thương phản ánh lên BQL chợ như thời gian qua. Sắp tới ký lại hợp đồng mới chúng tôi sẽ bàn tính lại chuyện này, nhất là 2 bên sẽ tạo điều kiện và cộng tác lẫn nhau tốt hơn để đảm bảo môi trường vệ sinh chợ an toàn cho tiểu thương kinh doanh buôn bán” - ông Vũ cho biết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm trễ thu gom rác thải chợ Vĩnh Điện: Tìm giải pháp đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO