Chậm triển khai dự án âu thuyền Hồng Triều

NGUYỄN QUANG VIỆT 23/11/2017 08:52

Trong khi những bất cập của âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) khiến tàu cá của ngư dân thiệt hại thì dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp xây dựng cảng cá khu vực này triển khai quá chậm chạp.

Tàu cá QNa-94105 được vớt lên sau khi bị chìm ở âu thuyền Hồng Triều trong đợt mưa lũ vừa qua.Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu cá QNa-94105 được vớt lên sau khi bị chìm ở âu thuyền Hồng Triều trong đợt mưa lũ vừa qua.Ảnh: QUANG VIỆT

Lo với âu thuyền

Tàu cá QNa-94105 và QNa-95627 của các ngư dân xã Bình Dương (Thăng Bình) chìm hoặc tràn nước do va đập bị vỡ be tàu trong đợt bão lũ vừa qua (phản ánh trên Báo Quảng Nam số ngày 15.11) đã tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn khi neo đậu tàu cá tại âu thuyền Hồng Triều. Bất cập lớn nhất là âu thuyền này chỉ được thiết kế tránh trú bão cho tối đa 100 tàu cá có công suất dưới 350CV. Hiện tại, trên địa bàn huyện Thăng Bình không có khu tránh trú bão cho tàu cá nên toàn bộ hơn 100 phương tiện khai thác hải sản xa bờ có công suất lớn đều tập trung tại âu thuyền này. Tàu thuyền của 2 huyện Thăng Bình và Duy Xuyên tập trung đã khiến cho âu thuyền Hồng Triều quá tải, mất an toàn. Rất nhiều lần UBND huyện Thăng Bình đề xuất với UBND tỉnh đầu tư khu tránh bão cho tàu cá để giảm áp lực cho âu thuyền Hồng Triều. “Số tàu công suất lớn hơn 400CV, đặc biệt là hơn 700CV của ngư dân trên địa bàn ngày một tăng thêm. Để neo đậu tàu cá trong mùa bão lũ, ngư dân đã phải di dời tàu ra neo đậu ở cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) vì sợ tai nạn xảy ra khi neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều. Điều này rất bị động, vừa mất thời gian vừa tốn tiền của. Chỉ có số ít chủ tàu cá công suất lớn “liều lĩnh” neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều và vẫn phập phồng. Rất mong tỉnh đầu tư khu neo đậu tàu cá, bố trí ở xã Bình Dương để giải quyết tình trạng này” - ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói.

Sau khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, giai đoạn 2 sẽ được thực hiện với 4 hạng mục xây dựng, gồm đầu tư cầu cảng 350CV theo phương án bến xa bờ, chiều dài 100m; đầu tư hạ tầng kỹ thuật với san nền mặt bằng cảng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện và chiếu sáng, hệ thống cấp nước và trạm xử lý nước thải; đầu tư các hạng mục phụ trợ như nhà văn phòng, nhà bảo vệ, nhà tiếp nhận và phân loại hải sản... và đầu tư thiết bị thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy, máy phát điện và trang thiết bị văn phòng. Tổng mức đầu tư xây dựng cho giai đoạn 2 hơn 50 tỷ đồng, trong đó ngân sách của tỉnh là 44,169 tỷ đồng.

Theo quan sát của chúng tôi, con đường độc đạo dẫn từ hữu ngạn sang tả ngạn âu thuyền Hồng Triều đã bị lũ phá hỏng trong những ngày vừa qua vẫn chưa được sửa chữa. Ngư dân phải vất vả chèo thuyền sang bờ kia khi vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm để sửa chữa tàu cá bị chìm hết sức khó khăn. “Âu thuyền Hồng Triều đã bất cập lại bị xuống cấp nghiêm trọng khiến chúng tôi rất lo lắng khi neo đậu tàu cá tại đây. Bất an nhưng không biết xoay xở bằng cách nào nên chúng tôi bất lực nhìn con tàu chìm khi va đập bị vỡ be mà con đường độc đạo bị đứt không thể sang được” - ngư dân Đặng Phước Thanh (thôn 6 xã Bình Dương, Thăng Bình), đồng chủ tàu QNa-94105 nói. Các ngư dân cho biết, đợt lũ lụt vừa qua đã khiến luồng lạch dẫn tàu cá vào âu thuyền Hồng Triều bị bồi lấp thêm rất nặng nề. Lòng âu thuyền này có nhiều chỗ nông, sâu chênh lệch nên nhiều khi tàu cá bị đá ở trong âu thuyền va đập gây thủng tàu. Các trụ neo buộc dây tàu được bố trí chỗ dày, chỗ mỏng nên nhiều tàu cá bị va đập dữ dội. Trong khi đó, rừng dừa nước và phi lao chắn sóng đã bị đốn hạ khiến cho âu thuyền trơ vơ trong sóng gió.

Gia hạn thời gian

Ngày 29.3.2016, UBND tỉnh thông qua quyết định phê duyệt dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều. Dự án thuộc nhóm B, cấp IV do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư (nay chuyển về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp & phát triển nông thôn Quảng Nam) nhằm mở rộng, nâng cấp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu neo đậu tàu cá và cảng cá, tạo thuận lợi cho ngư dân neo đậu tàu cá, tập kết hải sản, cung ứng các dịch vụ hậu cần, thúc đẩy phát triển nghề cá ở khu vực phía bắc của tỉnh. Theo quyết định, giai đoạn 1 của dự án với các hạng mục nâng cao độ mặt kè xung quanh khu neo đậu tàu cá với tổng chiều dài 1.587,05m; nâng cao trụ neo tàu dưới nước và thay thế các bích neo tàu; bổ sung phao báo hiệu dẫn luồng, nạo vét khu neo đậu; xây dựng đường giao thông vào cảng cá; trồng cây phi lao chắn gió ở bờ tả và phía đông bắc âu thuyền. Dự án được đầu tư với nguồn vốn hơn 70 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, thời điểm này, dự án được triển khai rất chậm, chưa có hạng mục nào của dự án được hoàn thành. “Có 2 cái khó chúng tôi gặp phải khi triển khai dự án là nguồn vốn được bố trí chậm và thời tiết diễn biến phức tạp khiến tiến độ thi công các hạng mục công trình chậm theo. Chúng tôi đề xuất UBND tỉnh nới hạn thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của dự án là cuối năm 2018, chậm 1 năm” - ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp & phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết.

Ngày 16.11.2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký văn bản đồng ý chủ trương cho phép gia hạn thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều đến hết ngày 31.12.2018. UBND tỉnh giao trách nhiệm chủ đầu tư dự án căn cứ vào các hợp đồng thi công xây dựng công trình đã ký kết với các nhà đầu tư để thỏa thuận gia hạn thời gian hợp đồng hợp lý, đảm bảo thời gian hoàn thành công trình không vượt quá thời gian được UBND tỉnh thống nhất gia hạn. Đồng thời Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp & phát triển nông thôn Quảng Nam rút kinh nghiệm trong việc triển khai đấu thầu thực hiện gói thầu số 2 là thi công xây lắp hạng mục đường dẫn vào khu neo đậu tàu cá khi chưa được cấp có thẩm quyền gia hạn tiến độ thực hiện dự án và điều chỉnh kế hoạch đấu thầu.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm triển khai dự án âu thuyền Hồng Triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO