Chậm triển khai phương án trên đất trồng cao su không hiệu quả

TRẦN NGUYỄN 05/08/2022 09:55

Không khuyến khích mở rộng diện tích trồng cao su, Quảng Nam khuyến khích chủ doanh nghiệp, địa phương và người dân triển khai các phương án phát triển mô hình kinh tế, trồng rừng gỗ lớn trên diện tích cây cao su không hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tại vườn cao su ở Bắc Trà My đang giai đoạn lấy mủ. Ảnh: Mai Nhi
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tại vườn cao su ở Bắc Trà My đang giai đoạn lấy mủ. Ảnh: Mai Nhi

Tính đến nay, diện tích trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh là 10.525,60ha (trong đó cao su đại điền là 9.485,99ha; cao su tiểu điền là 1.039,61ha), diện tích cao su đưa vào khai thác là 4.916ha.

Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang được giao 4.677ha đất trồng cây cao su tại huyện Bắc Trà My và Nam Giang, nhưng trong số diện tích này công ty mới cắm mốc ranh giới thực địa hơn 2.357,7ha, bao gồm đất trụ sở công ty và đất thuê của hộ gia đình, cá nhân đã có bìa đỏ, diện tích còn lại hầu hết do các ban quản lý rừng và công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh quản lý, sử dụng.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam quản lý gần 5.900ha vườn cây cao su trải rộng 6 huyện miền núi, trung du. Những năm trước đây, các doanh nghiệp trồng cao su không có tình trạng chặt bỏ cây để chuyển sang cây trồng khác; các công ty chỉ thanh lý một số diện tích cây cao su sinh trưởng kém, sâu bệnh và thực hiện trồng tái canh trở lại.

Với diện tích hàng nghìn héc ta cao su trong giai đoạn kiến thiết mủ đổ ngã, hư hại do bão cuối năm 2020, các công ty kiến nghị đơn vị chủ quản cho phép thanh lý để chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, nhưng thời điểm này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (đơn vị quản lý 2 doanh nghiệp trên) vẫn chưa có chỉ đạo về phương án sử dụng đất như thế nào.

Với cao su tiểu điền, từ năm 2016, chính quyền tỉnh đã chủ trương hạn chế tối đa việc tăng thêm diện tích cao su tiểu điền. Giá bán mủ cao su thời gian qua liên tục đi xuống nên một số hộ dân đã phá bỏ diện tích cây cao su sinh trưởng kém, mật độ còn ít ở giai đoạn kiến thiết cơ bản để chuyển sang cây trồng khác, chủ yếu là cây keo.

Và gần đây, cuối năm 2020, do ảnh hưởng của mưa bão, hơn 1.048ha diện tích cao su tiểu điền bị ngã đổ, theo báo cáo của các địa phương thì xuất hiện tình trạng người dân phá bỏ vườn cây, khai thác tận thu bán gỗ nguyên liệu và chuyển sang trồng các loài cây khác.

Còn nhớ, giữa năm 2021, tại cuộc họp trực tuyến với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị tập đoàn này nên chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang rà soát toàn bộ diện tích đất trồng cao su.

Theo đó, những diện tích đất trước đây đã thực hiện cắm mốc, ngoài những diện tích các công ty tiếp tục sử dụng để trồng cao su, diện tích còn lại không sử dụng thì đề nghị các công ty sớm hoàn thành bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng.

Đối với những khu vực đất khác ngoài diện tích trước đây đã thống nhất bàn giao, kể cả những diện tích trồng cao su bị gãy đổ do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua mà các công ty nhận thấy sử dụng trồng cao su không hiệu quả thì bàn giao lại cho địa phương để sử dụng vào mục đích khác hiệu quả hơn như xây dựng các khu dân cư để di dời, sắp xếp dân cư vùng thiên tai cho các địa phương hoặc giao đất cho dân để chuyển sang phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trồng rừng gỗ lớn… Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp và các địa phương, hơn năm qua, các công ty vẫn chưa triển khai phương án cụ thể trên diện tích trồng cao su không hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm triển khai phương án trên đất trồng cao su không hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO