Chạm vào trầm tích

LÊ TRÂM 06/05/2018 07:58

“Trầm tích một vùng đất” (NXB Đà Nẵng 2018) - cuốn sách thứ 8 của Nguyễn Hải Triều là một tập sách sưu tầm – biên khảo dày dặn về văn hóa, văn học của vùng đất Đại Lộc (tất nhiên trong đó có cả những chất liệu mang hơi hướm toàn Quảng Nam).

Cuốn sách “Trầm tích một vùng đất”.
Cuốn sách “Trầm tích một vùng đất”.

Đó cũng là công trình của cả một đời anh, như một sự tổng kết trước khi rời công việc luôn gắn bó với văn hóa, văn nghệ của anh. Điều đó cũng thể hiện rất rõ trong mục lục sách: Truyện dân gian - giai thoại danh nhân, tục ngữ thành ngữ - ca dao, câu đố, hát ru, hát xướng, hò chèo ghe, hò khoan đối đáp, vè dân gian, câu hô bài chòi. Phải nói, những gì Nguyễn Hải Triều sưu tầm được, anh “bày hết” ra cho người đọc tha hồ thưởng ngoạn. Là câu chuyện thu thập từ vùng đất Đại Lãnh - Đại Hồng: Giọt nước mắt Huyền Trân khi nàng lần đầu tiên “chạm” vào đất Chiêm Thành – ấy là Bến Giằng. Là những câu chuyện được lưu truyền về sự tích sông Cùng, sự tích Tam vị Thủy tướng hay sự tích Dinh Bà ở Đại Sơn, Bà Phường Chào. Những câu chuyện đi cùng thơ văn của các danh sĩ Quảng Nam các thế kỷ trước: Tú Quỳ, Bà Bang Nhãn. Như Tú Quỳ với văn tế thợ rèn: Thảm thiết bấy mấy lời tiện tặn, chịu ăn hoài dao luộc hơn chín mười năm/ Não nùng thay chút phận rủi ro, như tâm mất lưỡi cày cực trăm ngàn nỗi…; câu cúng mong vợ khỏi bệnh mang đậm “khẩu khí Tú Quỳ”: Ông thần, thần làng/ Tú tài, tú tài nhà nước/ Quyền tước ngang nhau/ Vợ Quỳ đau nên Quỳ phải dái (vái)…

Tác giả cũng sưu tầm nhiều câu chuyện về các địa chỉ văn hóa, các nhân vật, như cồn Văn thánh, chùa Cổ Lâm, vùng chín xã Sông Côn, các giai thoại về ông Võ Thạch giỏi võ nghệ, về các nghệ sĩ hát tuồng lừng danh một thời: Trần Bửu, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu… Những trang sách sinh động về chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển, cử nhân Lương Thúc Kỳ hay chuyện về ông Hương Dước… Phần tục ngữ - thành ngữ, ca dao… tác giả sưu tầm được khá nhiều nên có thể tham khảo khi cần thiết. Tuy nhiên, ở phần này còn lẫn lộn giữa những câu tác giả phát hiện mới với những câu quen thuộc từng thể hiện qua các công trình nghiên cứu trước đó. Phần cuối, tác giả dành gần 100 trang sách để ghi lại những tư liệu sưu tầm về phần hát xướng như: Hò chèo ghe, Hò lơ trâu, nhiều nhất là phần Hò khoan đối đáp. Cuối cùng là phần vè dân gian và câu hô bài chòi. Tất cả thể hiện công sức của tác giả qua mấy chục năm sưu tầm và biên khảo, cả tâm hồn của một người làm văn hóa văn nghệ luôn khao khát được đào sâu để chạm vào trầm tích của một vùng văn hóa.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chạm vào trầm tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO