Chấn chỉnh đào tạo, sát hạch lái xe

CÔNG TÚ 26/01/2021 08:57

Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa tổ chức  cuộc tọa đàm để các bên liên quan thẳng thắn trao đổi, góp ý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Trung tâm SHLX Quảng Nam được Sở GTVT chọn làm địa điểm tổ chức SHLX. Ảnh: C.T
Trung tâm SHLX Quảng Nam được Sở GTVT chọn làm địa điểm tổ chức SHLX. Ảnh: C.T

Nhiều tồn tại, bất cập

Toàn tỉnh có 8 cơ sở đào tạo (CSĐT) lái xe; 3 trung tâm sát hạch (TTSH) lái xe loại 2 được công nhận để hoạt động, 1 TTSH loại 2 đang lập thủ tục cấp phép. Cạnh đó, có 27 cán bộ, công chức và giáo viên được cấp thẻ thực hiện nhiệm vụ sát hạch viên. Bên cạnh mặt tích cực, qua rà soát kiểm tra, Sở GTVT phát hiện một số CSĐT nắm hồ sơ học viên còn thiếu sót, thủ tục chưa đảm bảo, thực hiện khắc phục thì bị động. Các CSĐT quản lý giáo viên thiếu chặt chẽ, vẫn còn giáo viên chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP. Việc ban hành văn bản, biểu mẫu chưa thống nhất và thiếu căn cứ cơ sở pháp lý. Theo ông Lê Văn Trí - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT), một số phương tiện dạy lái xe ô tô đã cũ, hỏng do thời gian sử dụng lâu nhưng chưa được CSĐT thay mới. TTSH xảy ra tình trạng quá tải, thụ động, có thời điểm không đáp ứng nhu cầu luyện tập của học viên.

Dự buổi tọa đàm với vai trò sát hạch viên, ông Trương Khuê chỉ rõ, các sát hạch lái xe (SHLX) cần hết sức cẩn thận về quãng đường 2km dùng để sát hạch thực hành trên đường, khi vào giờ cao điểm có rất đông người và phương tiện qua lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Chất lượng học viên còn thấp, có khóa thi hỏng tới hơn 40%. “Chất lượng đào tạo phải được đánh giá bằng kỹ năng lái xe thực tế trên đường của học viên, nhưng muốn có kỹ năng không phải ngày một ngày hai là đạt được. Vì lẽ đó, người thầy rất quan trọng trong đào tạo một học viên đảm bảo tiêu chuẩn, lái xe an toàn. Ngoài ra, các CSĐT cần phải trang bị thiết bị kỹ thuật, chẳng hạn như thiết bị lấy dấu vân tay để kiểm soát sự chuyên cần của học viên” - ông Trương Khuê nêu.

Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cảnh báo, qua kiểm tra hồ sơ học viên thì nhận ra có trường hợp giấy khám sức khỏe không có chữ ký của người đề nghị được khám sức khỏe. “Vậy ai trực tiếp khám sức khỏe; sức khỏe của học viên đó thực chất như thế nào” - ông Văn Anh Tuấn đặt vấn đề.

Nghiêm túc chấn chỉnh

CSĐT, TTSH đã thẳng thắn nêu khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo và SHLX. Chẳng hạn, người dự SHLX làm lại chứng minh nhân dân thì ngày cấp không khớp với hồ sơ nộp từ trước là điều đương nhiên; hoặc một học viên qua nhiều lần ký vào giấy tờ sẽ có sự sai khác vài nét nhỏ nào đó cũng bình thường, song lại không được người sát hạch chấp nhận. Về quản lý hồ sơ sau sát hạch, Sở GTVT cần trả lại sớm cho CSĐT để đăng ký thi lại, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dự sát hạch.

Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam (Công ty CP GTVT Quảng Nam) - ông Đào Ngọc Luân đề xuất, mục đích của việc kiểm tra chữ ký hoặc đối chiếu chứng minh nhân dân là để xác định người dự sát hạch có đúng người như trong hồ sơ. Nếu sát hạch viên nghi ngờ, có thể dùng biện pháp khác kiểm tra bổ sung, làm rõ. Thêm một việc khác, CSĐT khi tiếp nhận giấy khám sức khỏe chỉ kiểm tra, đối chiếu thông tin của người học, thời hạn của giấy khám và kết luận của bác sĩ, chứ không có quyền sửa đổi gì. Do đó, Sở GTVT nhận thấy giấy khám sức khỏe không đúng thì nên gửi công văn đề nghị Sở Y tế chấn chỉnh công tác khám sức khỏe lái xe của các cơ sở y tế, không làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo, SHLX.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi tọa đàm, Sở GTVT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu khắc phục tồn tại, chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Thời gian tới, ngành chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất các CSĐT lái xe; xác minh các văn bằng, chứng chỉ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên; rà soát công tác sử dụng giáo viên của các CSĐT lái xe. Các CSĐT lái xe phải chuẩn bị kinh phí đầu tư để lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường trên xe tập lái từ ngày 15.12.2021; trang bị mới hoặc nâng cấp hệ thống máy tính để cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để Tổng cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao từ ngày 31.12.2021; trang bị ca bin tập lái xe ô tô từ ngày 15.6.2022.

Sở GTVT đề nghị các CSĐT lái xe ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát thời gian học lý thuyết các môn học, còn phải nghiêm túc chấp hành sử dụng thiết bị nhận dạng để theo dõi, lưu trữ dữ liệu giám sát quá trình học môn Pháp luật giao thông đường bộ của học viên theo quy định. Sở GTVT cũng yêu cầu các trung tâm SHLX thực hiện nhiều phần việc. “Đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm vì liên quan đến tính mạng con người. Nếu các CSĐT, trung tâm SHLX không nghiêm túc chấn chỉnh ngay, ngành chức năng sẽ cắt giảm lưu lượng đào tạo, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Làm như vậy mới cho ra sản phẩm chất lượng, để khi học viên đã tốt nghiệp nếu gây tai nạn giao thông thì chúng ta không phải áy náy vì đã làm hết sức mình” - ông Văn Anh Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chấn chỉnh đào tạo, sát hạch lái xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO