Chấn chỉnh dạy thêm

C.B.L 16/08/2018 02:34

Sở GD-ĐT vừa ban hành công văn (số 1153/SGDĐT-VP) về xử lý vi phạm quy định dạy thêm, học thêm. Tôi đọc công văn này mà ái ngại thay cho nhiều giáo viên, bởi từ nay có thể ngành giáo dục thật sự sẽ xử lý mạnh tay đối với trường hợp dạy thêm trái phép. Ái ngại còn bởi sáng nay tôi vẫn chở hai đứa con tới lớp học thêm trái phép, và Tam Kỳ cùng nhiều địa phương khác, những lớp học như thế này đang còn rất rộn ràng.

Thật ra ngành giáo dục đã từng có nhiều văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng dạy thêm trái phép, nhưng lần này tôi hình dung độ “quyết liệt” sẽ cao hơn. Theo nội dung công văn, Sở GD-ĐT sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý dạy thêm học thêm không báo trước. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị, địa phương nào để giáo viên vi phạm thì hiệu trưởng hoặc trưởng phòng GD-ĐT địa phương đó phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy định. Đối với cán bộ, giáo viên các trường phổ thông vi phạm quy định về dạy thêm học thêm (lần thứ ba), có thể sẽ bị điều chuyển công tác, xem xét cho thôi việc.

Vậy để dạy thêm đúng quy định, giáo viên phải làm gì? Tại văn bản hướng dẫn (số 940/SGDÐT-VP) của Sở GD-ĐT có quy định nhiều điểm cụ thể, nhưng tóm lại có hai cách để giáo viên dạy thêm chọn lựa: hoặc dạy thêm ở trường (do nhà trường tổ chức), hoặc phải dạy ở các trung tâm do người không hưởng lương của đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức. Không bàn đến những bất tiện cho giáo viên khi phải thực hiện quy định này, chỉ xin đề cập nhu cầu học thêm hiện nay. Theo nhiều giáo viên, học sinh bây giờ không thể không học thêm bởi chương trình quá nặng, thời gian trên lớp không đủ để giáo viên chuyển tải, rèn luyện kiến thức cho các em. Tại lớp dạy thêm các thầy cô sẽ “phân hóa” học sinh cao hơn để có phương pháp phù hợp. Và nếu tổ chức dạy thêm ở nhà trường thì học sinh cũng sẽ mang tâm lý như khi học ở lớp chính khóa; và các thầy cô sẽ không có nhiều động lực để thể hiện hết khả năng vì đàn em thân yêu của mình.

Một thực tế nữa mà theo nhiều ý kiến của phụ huynh lẫn giáo viên, việc đánh giá năng lực học sinh hiện nay đang còn du di, bất cập, nên học thêm cũng là một cách để học sinh có được kiến thức và sự đánh giá một cách thực chất. Nhiều giáo viên nói vui rằng, nếu đánh giá đúng thực chất thì nhà trường phổ thông có chấp nhận một thực tế là sẽ khó hoàn thành các mục tiêu giáo dục đề ra? Xã hội có thể chấp nhận nhiều học sinh sẽ bị bỏ lại phía sau, loại ra khỏi nhà trường phổ thông vì hạnh kiểm và học lực kém? Rồi phụ huynh có dễ dàng chấp nhận con cái mình học thua xa bạn bè không?... Nếu không dễ dàng chấp nhận thì phải tạo điều kiện cho dạy thêm học thêm, và tất nhiên yêu cầu dạy thêm học thêm đúng quy định để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra như văn bản nêu trên cũng là một cách.

Sau các sự cố của ngành giáo dục vừa qua, dư luận tập trung phân tích những vấn đề cốt lõi về phương pháp của nền giáo dục. Nhưng cũng có ý kiến đề cập về “cách ứng xử” của chúng ta đối với nền giáo dục hiện tại; trong đó có cả trách nhiệm và tinh thần dũng cảm của những “người lái đò” lẫn “khách qua sông”!

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chấn chỉnh dạy thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO