Chấn chỉnh hàng rong

VĨNH LỘC 13/02/2017 08:25

Hôm nay, 13.2 TP.Hội An sẽ ra quân sắp xếp, chấn chỉnh hoạt động buôn bán hàng rong trong phố cổ, kiên quyết đẩy đuổi những mặt hàng rong không phù hợp ra bên ngoài, lập lại mỹ quan đô thị, hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch Hội An văn minh hơn.

Bát nháo hàng rong

Từ xưa hàng rong đã trở thành một nét đẹp văn hóa Hội An với hình ảnh những gánh xí mà, đậu hủ, chè… cùng tiếng rao vang vọng trên khắp nẻo đường. Tuy vậy, những năm gần đây khi du lịch phát triển hàng rong vỉa hè cũng dần bị biến tướng, vượt tầm kiểm soát làm mất mỹ quan, trật tự địa phương. Tại một số tuyến đường phố cổ và các khu vực như bùng binh Chùa Cầu; Nguyễn Thái Học - Bạch Đằng; phía bắc cầu An Hội, trên sông Hoài… hoạt động buôn bán chèo kéo, nài ép khách mua các mặt hàng như chim tre, thiệp, gậy chụp ảnh, tranh 3D… diễn ra công khai, gây khó chịu và ảnh hưởng đến việc tham quan, thưởng ngoạn của du khách. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán trước di tích; vứt, xả rác; lấn chiếm vỉa hè trở thành hình ảnh phản cảm.

Hàng rong trên phố cổ Hội An sẽ được sắp xếp, chấn chỉnh.Ảnh: V.LỘC
Hàng rong trên phố cổ Hội An sẽ được sắp xếp, chấn chỉnh.Ảnh: V.LỘC

Thậm chí, tên gọi một số món ăn truyền thống cũng đã bị thay đổi; chất lượng một số món ăn đặc sản, hàng hóa giảm sút… điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc chấn chỉnh, sắp xếp lại hoạt động này. Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An, cần phân biệt hàng rong truyền thống với những biến tướng của hàng rong “hiện đại” không phù hợp với cảnh quan phố cổ, vì điều này dễ gây hiểu nhầm cho người dân và du khách đối với chủ trương sắp xếp lại hàng rong của thành phố. “Hàng rong cũng là một nét văn hóa đặc trưng của Hội An nhưng việc đưa các mặt hàng hiện đại vào cùng cách buôn bán chụp giựt của một số người thời gian qua là không phù hợp, cần phải chấm dứt, chỉ nên giữ lại những mặt hàng rong truyền thống gắn với con người và văn hóa Hội An” - ông Phùng bày tỏ.

Tại đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An” do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xây dựng thống kê, hiện  khu vực I phố cổ (thuộc địa bàn 3 phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô) có khoảng 130 hộ, cá thể hoạt động buôn bán hàng rong với 76 loại hàng, gồm 41 hàng ăn uống (bánh, mỳ, bún, xôi, cháo, chè, thức uống các loại…) và 35 mặt hàng lưu niệm, đồ dùng (giày, dép, mũ, kính, ví, đồng hồ, tranh ảnh, giấy gương…). Cùng với đó là 50 phương tiện buôn bán và cách thức buôn bán như xe đạp, xe máy, xe đẩy, quang gánh, bàn ghế tủ, bạt… Ông Nguyễn Văn Sơn, - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, các hoạt động hàng rong này sẽ được phân loại, sắp xếp bố trí lại ở những khu vực vị trí phù hợp. “Ngày 13.2 này thành phố sẽ chính thức ra quân triển khai đề án  quản lý, sắp xếp hàng rong, dự kiến 10 ngày sẽ hoàn thành ổn định và bàn giao lại cho phường Minh An theo dõi quản lý” - ông Sơn nói.  

Quản lý chặt từ cơ sở

Thực tế, từ ngày 7.2 thành phố cũng đã ra quân lập lại trật tự kinh doanh buôn bán hàng rong. Chủ yếu tập trung giải tỏa toàn bộ ghe thuyền buôn bán tụ tập trên sông đoạn từ cầu An Hội đến khu vực đường Lê Lợi không đảm bảo an toàn, không đăng ký kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sắp xếp lại trật tự kinh doanh của các hàng quán trong phố, yêu cầu hàng hóa phải đưa hết vào bên trong cửa cũng như không được để biển hiệu che chắn trái quy định. Đồng thời kiên quyết xử lý hàng rong như xe đẩy, tranh 3D, chim tre, gậy chụp ảnh và những thứ nhếch nhác trên phố ảnh hưởng đến cảnh quan khu phố cổ. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, đây sẽ là đợt ra quân quyết liệt của thành phố nhằm lập lại trật tự mỹ quan phố cổ và sẽ được duy trì thường xuyên, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi như trước đây. “Nhiệm vụ vốn giao cho UBND phường Minh An với sự hỗ trợ của Quy tắc của thành phố thực hiện. Thế nhưng từ sau tết đến nay, do trật tự quá nhếch nhác anh em làm không xuể cho nên tôi phải đích thân chỉ huy cùng các lực lượng của thành phố như công an và các ban ngành liên quan tăng cường thường xuyên với gần cả trăm quân mỗi ngày” - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nhìn nhận, việc bố trí lại hoạt động kinh doanh hàng rong, vỉa hè trong khu vực I khu phố cổ là cấp thiết và phù hợp với Luật Di sản. Do Hội An là một di tích sống nên thời gian qua vẫn để hoạt động này diễn ra, hậu quả là tình trạng bát nháo đã xảy ra, cần phải sắp xếp, bố trí lại. “Cơ bản chỉ sắp xếp các hàng quán vào vị trí cố định để phù hợp với cảnh quan phố cổ cũng như gắn với truyền thống, còn những mặt hàng không phải truyền thống của Hội An cần phải di dời ra ngoài” - ông Trung chia sẻ. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thông thường những lần trước các xe đẩy bán hàng rong sau khi bị thu về chỉ nhắc nhở rồi trả lại, hậu quả là tình trạng buôn bán vẫn tiếp diễn trên phố, nhưng lần này thành phố sẽ kiên quyết tịch thu phương tiện. Đợt chấn chỉnh này sẽ nhất quyết làm đến nơi đến chốn và gắn với trách nhiệm của bí thư, chủ tịch các phường liên quan, nếu còn xảy ra tình trạng bán hàng rong trên địa bàn thì phải xử lý, kỷ luật.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chấn chỉnh hàng rong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO