Tình trạng tranh giành, nhồi nhét khách; nhân viên trên các phương tiện xe buýt ứng xử thiếu văn minh, lái xe bất chấp quy định… đã gây thất vọng cho không ít hành khách sử dụng phương tiện xe buýt trên các tuyến qua địa bàn tỉnh, nhất là tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng.
“Dáng dấp xe dù”
Dù không được Nhà nước trợ giá, các doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) tham gia kinh doanh loại hình VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực đầu tư phương tiện và dần đổi mới cung cách phục vụ nên bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là vào dịp lễ hội và các kỳ thi tuyển sinh đại học. Hiện trên địa bàn tỉnh có 97 xe buýt khai thác trên 9 tuyến 2 chiều nội tỉnh (Tam Kỳ - Núi Thành, Tam Kỳ - Hiệp Đức, Đại Lộc - Tam Kỳ, Tam Kỳ - Bắc Trà My); cùng tuyến liên tỉnh liền kề (Tam Kỳ - Đà Nẵng, Hội An - Đà Nẵng, Phú Đa (Duy Xuyên) - Đà Nẵng, Ái Nghĩa (Đại Lộc) - Đà Nẵng, Đại Chánh (Đại Lộc) - Thọ Quang (Đà Nẵng)). Tới thời điểm này, chỉ có Đại Chánh - Thọ Quang phải điều chỉnh đầu tuyến từ Đại Chánh về Quế Sơn vì “hạn” khách.
Cảnh nhồi nhét trên xe buýt tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ.Ảnh: C.TÚ |
Nếu tính thêm phần đối lưu từ phía DN và HTX của đầu Đà Nẵng, số lượng phương tiện tham gia VTKHCC khá đông. Song thực tế, chất lượng phục vụ vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được chấn chỉnh triệt để. Một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho hay, các xe đều mở cửa khi đang chạy nếu thấy vắng bóng lực lượng chức năng. Thực trạng lái và phụ xe không mặc đồng phục, điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép xảy ra thường xuyên; nhân viên chưa thực hiện nghiêm túc quy định đeo bảng tên, không giao vé cho khách. VTHKCC bằng xe buýt là loại hình vận tải thể hiện tính văn minh, mà ở đó khách hàng được phục vụ tốt, nhưng nhiều hành khách cho biết nhiều lúc phải cố “nhịn” trước thái độ hách dịch, thiếu lịch sự của một bộ phận nhân viên phục vụ. Không những bực bội vì nghe chửi thề, hành khách còn bị “tra tấn” bởi khói thuốc lá do người nhà xe phả ra.
Thường xuyên sử dụng VTKHCC, anh Nguyễn Tấn Việt (quê Thăng Bình) nhận xét: “Dáng dấp “xe dù” vẫn in đậm nét trên nhiều tuyến xe buýt hiện nay”. Theo lời anh Việt, cánh tài xế chạy xe buýt nơi khu vực nội thành thì đi chậm như rùa, còn ra khỏi lại phóng nhanh vượt ẩu để kịp về đúng khung giờ quy định khiến hành khách thót tim. Đang lao vút đi, lái xe phát hiện có khách đón liền lập tức tấp ngay vào lề làm cho người điều khiển phương tiện ở phía sau không kịp trở tay. Đầu tư phương tiện mới hiện đại và lắp đặt máy điều hòa cho oai, nhưng nhà xe chủ yếu… đón gió trời (trừ xe buýt đầu tuyến Đại Lộc - Tam Kỳ)…
Tranh giành khách
“Điệp khúc” nhồi nhét, chạy quá tốc độ Chiều cùng ngày, tôi lại có mặt trên xe buýt (BKS: 92B…) từ Tam Kỳ về Đà Nẵng. Khi đến ngã tư Hà Lam (Thăng Bình), xe không còn một chỗ trống, thậm chí có người đứng chỉ được một chân nhưng tài xế vẫn dừng lại để đón khách. Sinh viên Nguyễn Tấn Lợi (Quế Sơn) tâm sự: “Chuyện xe buýt nhồi nhét hành khách là điều ai cũng biết. Hễ mỗi lần gặp công an, nhà xe lại “lệnh” cho tất cả phải ngồi xuống. Tuần trước, trên xe mình đi có cụ già khoảng hơn 70 tuổi do không thể chịu nổi sức ép nên đành xuống xe giữa chừng. Cuối tuần, hành khách trên một xe buýt có thể hơn 100 người”. Xe buýt nhồi nhét hành khách, chạy quá tốc độ đang trở thành vấn đề “nóng”, không chỉ riêng tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng. Người dân mong muốn sử dụng xe buýt cho thuận tiện, an toàn song nghĩ tới cảnh tượng bị nhồi nhét, tài xế chạy… như ma đuổi đã khiến họ e ngại. Các cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc nhưng xem ra vẫn chưa cho thấy chuyển biến tích cực.(DƯƠNG NGỌC BÍCH) |
Nhiều hành khách đã quen với tình trạng chờ đón mỏi mòn những chuyến xe đò muốn đi giờ nào là tùy thích, thế mà cảnh tượng đó nay cũng lặp lại với phương tiện xe buýt. Đối với cánh nhà xe, họ luôn “ưu tiên” hoạt động vào giờ cao điểm, nhất là xe được khoán trắng. Còn khoảng nửa buổi sáng đến nửa buổi chiều, tài xế cứ tha hồ bỏ phiên. Đặc biệt, nhiều hôm nhận được kèo “thơm”, xe buýt được “hô biến” thành xe hợp đồng và vô tư bỏ chuyến cả ngày. Tình trạng trên diễn ra hầu hết ở các tuyến xe buýt 2 chiều nội tỉnh và liên tỉnh liền kề. Hàng ngày, chủ xe buýt thường kêu trời về chuyện xe chạy hợp đồng nhưng chạy đón khách như tuyến cố định là bất công, nhưng qua cách làm của mình, rõ ràng chính họ cũng đã cạnh tranh không lành mạnh.
Đi vào hoạt động từ năm 2006, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng và ngược lại đã có sự phát triển đáng kể, nhưng cũng làm không ít hành khách phiền lòng. Nhằm dành chỗ nhồi nhét thêm hành khách, nhiều chủ xe đã tháo bớt ghế, hoặc dồn thúc lại sau khi đăng kiểm. “Thượng đế” cũng nhiều lần chứng kiến cảnh nhân viên nhà xe kéo xộc khách lên khi đón, đẩy nhanh xuống lúc bước ra mà miệng lầm bầm chửi thề. Có tài xế còn tranh giành rất thô thiển như dừng đón trả khách ngay giữa đường, phòng xe buýt tuyến khác vượt qua. Ngày 16.6 vừa qua, xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đại Lộc khi lưu thông ra đến khu vực trước cây xăng dầu Tân Thạnh, đoạn quốc lộ 1 đang thi công mở rộng thì gặp xe buýt BKS: 43S-5979 chạy hướng Tam Kỳ - Đà Nẵng dừng đón khách ven lề. Thấy an toàn, tài xế cho xe đi qua. Bất thình lình, lái xe BKS 43S-5979 (cánh tài xế gọi tên là Long “điên”) cố tình nhấn ga hết cỡ vượt bên phải, mặc cho phần đường rất hẹp phía trước. Tình thế nguy hiểm bắt buộc bác tài xe buýt nội tỉnh thắng gấp, hành khách mới thở phào nhẹ nhõm.
Đã gần 2 năm hoạt động, xe buýt Tam Kỳ - Đại Lộc vẫn còn nhiều hạn chế. Trong văn bản báo cáo trước Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh mới đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) - ông Trần Thanh An giải trình nhiều vấn đề tồn tại về tuyến xe buýt này. Ông An cho biết, việc đánh nhau giữa các lái xe của 2 đơn vị khai thác (Báo Quảng Nam đã phản ánh) là Công ty CP GTVT Quảng Nam và Công ty TNHH Vận tải Trần Hòa xuất phát từ việc chạy xe quá chậm trong đô thị và phóng nhanh vượt ẩu tại những đoạn đường vắng người. Cộng vào đó, lãnh đạo đơn vị thiếu quan tâm giáo dục ý thức đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe… Đặc biệt, Công ty CP GTVT Quảng Nam thực hiện không đúng theo biểu đồ đã phê duyệt, thường xuyên bỏ phiên, chuyến (khoảng 40%) gây mất ổn định và phụ niềm tin của hành khách, ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác trên tuyến.
CÔNG TÚ