Chấn chỉnh hoạt động xe buýt: Chưa triệt để - Bài cuối: Cần xử lý kiên quyết

CÔNG TÚ 05/09/2014 09:34

Để vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, ngành chức năng và nhất là các đơn vị kinh doanh phải sớm chấn chỉnh khâu quản lý và hoạt động khai thác trên tuyến.  

  • Chấn chỉnh hoạt động xe buýt: Chưa triệt để - Bài 1: Nhiều vi phạm

Đổi mới quản lý

Thời gian qua, 2 Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị khai thác VTHKCC bằng xe buýt nghiên cứu, đổi mới hình thức quản lý. Ngành chỉ đạo các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) phải lắp đặt hệ thống camera, hệ thống thu phát âm thanh bổ sung cho thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định. Bảng tên của lái xe và nhân viên được thêu bằng chữ trên túi áo đồng phục; bổ sung phần hội thi lái xe, nhân viên, phương tiện tốt, giữ gìn phương tiện an toàn sạch đẹp vào quy chế nội bộ. Song trên thực tế, việc triển khai của các đơn vị chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mang tính đối phó. Để tiếp tục chấn chỉnh, 2 ngành GTVT Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã phối hợp ban hành Quy chế liên sở về tổ chức, quản lý hoạt động xe buýt liên tỉnh với nhiều quy định cụ thể các điều kiện hoạt động và hình thức xử lý vi phạm.

Cần xử phạt thật nghiêm đối với xe buýt đậu đỗ vô tội vạ, mở cửa khi xe đang chạy.
Cần xử phạt thật nghiêm đối với xe buýt đậu đỗ vô tội vạ, mở cửa khi xe đang chạy.

Tuy nhiên, mục đích quản lý tập trung, khai thác chuyên nghiệp từ đó đến nay vẫn chưa đạt được. Bởi theo một cán bộ Thanh tra Sở GTVT tỉnh, khi nào tiền vốn vẫn thuộc về các cá nhân nhỏ lẻ thì các DN, HTX đứng chủ sở hữu chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, việc quản lý còn manh mún, hiệu quả thấp là không thể tránh khỏi. Điều đó khiến các đơn vị lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành các xã viên và các chủ xe góp vốn. Giám đốc chỉ làm dịch vụ về hồ sơ cấp phép, đăng ký, thay đổi luồng tuyến, đổi sổ nhật trình và thu phí hàng tháng trên đầu xe… Muốn chấn chỉnh, người đứng đầu các DN, HTX phải kiên quyết xử lý và kiến nghị xử lý đối với trường hợp vi phạm. Như vậy mới không tạo lỗ hổng cho chủ xe, xã viên đặt nặng lợi nhuận lên trên hết mà thiếu quan tâm đến quyền lợi hành khách.

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh - ông Trương Khuê khuyến cáo, các đơn vị cần thực hiện tốt công tác quản lý hồ sơ về phương tiện, phát huy hiệu quả bộ phận an toàn giao thông. Đồng thời DN và HTX cần tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông một cách sát thực, không chạy theo hình thức. Tránh tình trạng ký hợp đồng lao động, quản lý đội ngũ nhân viên đều do chủ xe thực hiện. Theo một chủ nhiệm HTX vận tải, “khâu quản lý giữa các đơn vị tham gia khai thác cùng tuyến phải đồng bộ và hết sức công bằng. Bên kia làm qua loa, phía bên này làm căng quá sẽ tội cho anh em của mình. Những bất cập về việc khoán trắng cho lái xe cũng cần được chủ DN thẳng thắn nhìn nhận và cầu thị khắc phục”.     

Nhiều việc phải làm

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển tuyến VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Ngoài các tuyến đã đi vào hoạt động, từ năm 2013 đến năm 2020, Quảng Nam ưu tiên phát triển thêm một số tuyến xe buýt 2 chiều: Tam Kỳ - Bắc Trà My (đã khai trương), Tam Kỳ - Phú Ninh, Nông Sơn - Thăng Bình, Hội An - Bắc Quảng Nam (Điện Bàn), Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) - Duy Xuyên, Tam Kỳ - Tam Tiến (Núi Thành), Bình Giang - Thăng Bình, Nông Sơn - Duy Xuyên, khu phố chợ Nam Phước - Duy Hải (Duy Xuyên), Nông Sơn - Đại Lộc (sau khi xây dựng cầu Giao Thủy), Đại Lộc - Nam Giang, Khâm Đức (Phước Sơn) - Hiệp Đức. Từ sau năm 2020, tỉnh định hướng phát triển các tuyến: Nam Giang - cửa khẩu Đắc Ốc, Phước Sơn - Nam Giang, Tây Giang - Nam Giang, Nam Trà My - Bắc Trà My, Cẩm Châu (Hội An) - Tam Kỳ, tuyến nội thành Tam Kỳ. Ngoài ra, các tuyến vận tải buýt kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận, tùy tình hình thực tế sẽ khảo sát và có ý kiến của các địa phương liên quan trước khi thực hiện. Phương tiện được sử dụng có tính tiện nghi cao, thân thiện với môi trường. Các tuyến có cự ly ngắn và bề rộng mặt đường hẹp thì sử dụng phương tiện xe mini buýt; các tuyến cự ly dài thì sử dụng xe buýt B40, B50. Trên cùng tuyến phương tiện phải đồng nhất, cùng chủng loại.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc quản lý hoạt động của phương tiện xe buýt trên tuyến theo đăng ký chất lượng từ phía lãnh đạo đơn vị vận tải chưa được quan tâm đúng mức, chưa sử dụng hiệu quả thiết bị GSHT trên xe, có lúc còn mang tính đối phó. Công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý chưa thường xuyên, kiên quyết. Cạnh đó, Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ còn bỏ ngỏ đối với loại hình xe buýt.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, đòi hỏi ngành GTVT phải tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt cũng như ban hành Quy chế liên sở về tổ chức, quản lý hoạt động trên tuyến xe buýt liên tỉnh. Việc phối hợp với Sở GTVT TP.Đà Nẵng quản lý hoạt động phương tiện trên tuyến thông qua thiết bị GSHT và camera trên xe để đề xuất cách xử lý cần tiến hành rốt ráo. Thanh tra GTVT xử lý nguội các phương tiện thông qua thiết bị GSHT một cách thường xuyên hơn. Điều đáng nói, các tuyến xe buýt đang hoạt động đều không được Nhà nước trợ giá nên DN, HTX phải lấy những chuyến đông khách bù vào chuyến ít khách nhằm đảm bảo chi phí hoạt động, dẫn đến hiện tượng tranh giành khách trong giờ cao điểm. Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Thanh An bày tỏ, cũng vì không trợ giá nên công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải gặp không ít khó khăn. Ngành sẽ tham mưu đề án với UBND tỉnh nhằm có hướng hỗ trợ cho các đơn vị, trước hết là những tuyến xe buýt lên trung du, miền núi.

Muốn VTHKCC bằng xe buýt hoạt động đúng như tôn chỉ và mục đích đề ra, ngành GTVT cần tiếp tục chỉ đạo và giám sát chặt chẽ đơn vị vận tải tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chế đến từng lái xe, nhân viên phục vụ và cả quản lý xe. Khâu khám sức khỏe định kỳ cho lái xe không được làm theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Hành động “tuýt còi” nhà xe vi phạm phải kiên quyết, không “giơ cao đánh khẽ” khiến chủ phương tiện vi phạm “nhờn mặt”. Giám đốc Ban quản lý bến xe Quảng Nam - ông Nguyễn Ngọc Châu thì cho rằng, muốn lập lại trật tự mang tính lâu dài, Quảng Nam nên thành lập Trung tâm Điều hành VTHKCC bằng xe buýt để làm nhiệm vụ “trọng tài” quản lý. Thời gian qua, Trung tâm Điều khiển tín hiệu đèn giao thông và vận tải công cộng tại TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng ra đời đã cho thấy được hiệu quả thiết thực của nó nên Quảng Nam có thể học hỏi và áp dụng vào thực tiễn.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chấn chỉnh hoạt động xe buýt: Chưa triệt để - Bài cuối: Cần xử lý kiên quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO