Phần lớn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sự hiểu biết và ý thức chấp hành quy định của pháp luật còn hạn chế, dẫn đến nhiều sai phạm. Trước thực tế trên, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh.
Hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự phát triển về số lượng đơn vị và phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải.
Sở GTVT cho biết, tại thời điểm tháng 12/2023, ngành quản lý khoảng 1.325 đơn vị KDVT bằng ô tô với 8.500 phương tiện, đầy đủ các loại hình KDVT hành khách, hàng hóa theo quy định. Hoạt động của đơn vị KDVT đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Năm 2023, Sở GTVT đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền các quy định pháp luật trong KDVT hành khách, hàng hóa và tổ chức ký cam kết cho hơn 37 đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa; 19 đơn vị vận tải hàng hóa và 73 đơn vị vận tải hành khách.
Thanh tra Sở GTVT tiến hành 2 cuộc thanh tra chuyên ngành, 4 cuộc kiểm tra chuyên đề định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị KDVT.
Tính chung từ ngày 1/12/2022 đến ngày 1/12/2023, lực lượng thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính 402 trường hợp; tổng số tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng (đường bộ chiếm 381 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng).
Ông Lê Văn Trí - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 phương tiện KDVT hành khách bằng ô tô. Số lượng phương tiện cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch, hạn chế việc sử dụng xe cá nhân.
Lĩnh vực KDVT hàng hóa bằng ô tô có khoảng 3.500 phương tiện đang hoạt động. Do tính cơ động cao, giá thành vận chuyển trên khoảng cách ngắn thấp hơn so với một số phương thức vận tải khác, vận tải hàng hóa bằng ô tô luôn đóng một vai trò chủ đạo trong phân phối và lưu thông hàng hóa.
Theo ông Lê Quang Hiếu - Phó Giám đốc Sở GTVT, ngành luôn quan tâm phối hợp các ngành liên quan để tăng cường quản lý nhà nước về KDVT đường bộ.
Duy trì thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả trong phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị KDVT trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, nhất là số lượng hộ kinh doanh chiếm gần 50%.
Chính vì vậy, quy mô tổ chức, năng lực tài chính, đội ngũ nhân sự, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin khá hạn chế. Sự hiểu biết cũng như ý thức chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng ô tô chưa tốt, dẫn đến nhiều vi phạm.
Do đó, Sở GTVT đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08 ngày 31/5/2019 về việc tăng cường phối hợp công tác quản lý thuế đối với hoạt động KDVT bằng ô tô.
Cạnh đó, các ngành liên quan ban hành Quy chế phối hợp số 01 ngày 24/8/2023 giữa Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Sở GTVT trong quản lý thuế đối với hoạt động KDVT bằng ô tô để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Sở GTVT thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị KDVT chấp hành nghiêm pháp luật; tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được tiến hành thường xuyên và nghiêm minh. Trên cơ sở trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT thông báo để đơn vị vi phạm báo cáo giải trình.
Sau đó, ngành GTVT kiểm tra và ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu đã cấp đối với các xe ô tô vi phạm tốc độ theo quy định. Từ ngày 1/1 đến ngày 25/12/2023, Sở GTVT đã ban hành 18 quyết định thu hồi 281 phù hiệu, biển hiệu ô tô KDVT.
Cũng trong khoảng thời gian này, thông qua thanh tra, kiểm tra và giám sát, ngành chức năng còn ban hành 30 quyết định thu hồi giấy phép KDVT của 44 đơn vị (15 doanh nghiệp, 1 hợp tác, 28 hộ kinh doanh).
Ông Lê Văn Trí cho biết, ngày 25/10/2023 Sở GTVT đã có văn bản rà soát báo cáo để xem xét tạm dừng cấp phù hiệu, biển hiệu và giấy phép liên quan đối với đơn vị KDVT nào không tuân thủ đúng các quy định về cung cấp hợp đồng vận chuyển và chế độ báo cáo định kỳ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý hàng trăm vi phạm liên quan đến phương tiện hoạt động KDVT hành khách, hàng hóa bằng ô tô.
Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn chia sẻ, đơn vị còn triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề kiểm tra hoạt động của xe điện chở khách du lịch trong khu vực nội thành TP.Hội An; kiểm tra, xử lý xe KDVT không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định…
Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đưa hoạt động KDVT bằng ô tô tiếp tục đi vào nề nếp, ổn định, hiệu quả đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.