Trong tập sách “Sau bức màn sương khói”, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ cần mẫn nhặt nhạnh những câu chuyện tưởng chừng hết sức bình thường để rồi thai nghén, sinh thành những câu chuyện nhân sinh sâu sắc...
Từ những câu chuyện kể của mẹ
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ vừa trình làng tập sách thứ 18 của mình - tập truyện ngắn “Sau bức màn sương khói”. Sách được Nhà Xuất bản Dân Trí ấn hành vào quý 2 năm nay, nhưng từ hai năm trước, tôi đã may mắn được đọc khi nó hãy còn là bản thảo.
Lúc ấy, sau khi đọc xong, tôi có cảm giác tập truyện này có vẻ như là “tập 2” của tập truyện “Thần sông báo mộng”, cũng của chính nhà văn Nguyễn Tam Mỹ (NXB Đà Nẵng - tháng 3/2020). Bởi lẽ, không gian chính của hầu hết truyện ngắn trong hai tập truyện này là một vùng quê bán sơn địa với vô số hình ảnh quen thuộc, hiền lành, đẹp và cũng không ít biến động.
Thử xâu chuỗi, kết nối, nhận diện thông qua hệ thống các dữ liệu địa lý, dữ liệu văn hóa được mang chuyển bên trong mỗi truyện ở hai tập sách, có thể gọi đích danh vùng quê ấy chính là Tiên Phước, Quảng Nam.
Đến khi nhà văn Nguyễn Tam Mỹ tặng “Sau bức màn sương khói” trong hình hài một tập sách, tôi nói ra nhận xét ấy của mình, anh không giải thích, mà chỉ kể: “Hồi mẹ tôi còn sống, tuần nào tôi cũng về Tiên Phước thăm bà.
Mỗi lần tôi về thăm, mẹ lại kể cho tôi những câu chuyện mà bà từng nghe, từng thấy, từng biết ở quê mình. Tôi nhận thấy nhiều chuyện trong số đó là những câu chuyện “có truyện”, nên ghi nhớ, chép lại dưới dạng tư liệu thô, rồi túc tắc viết thành truyện ngắn”.
Bằng những trải nghiệm phải đổi bằng máu và năm tháng thanh xuân, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đã từng có một số tập sách được bạn đọc đánh giá cao, như tiểu thuyết “Máu và tội ác”, “Dưới tán rừng thốt nốt”; truyện dài “Tuổi thơ trong chiến tranh”; truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ”. Còn với hai tập truyện ngắn “Thần sông báo mộng” và “Sau bức màn sương khói”, có thể nói đó là kết quả có được sau nhiều lần anh “đi thực tế” qua những câu chuyện kể của mẹ mình.
Có gì “Sau bức màn sương khói”?
Nhiều truyện ngắn trong tập sách mới được phát hành “Sau bức màn sương khói” được nhà văn Nguyễn Tam Mỹ viết theo giọng kể. Trong đó, có những truyện được xây dựng với một kết cấu khá đơn giản: gặp người quen cũ ở quê, nghe kể về một sự việc, sự kiện hay con người nào đó rồi... kết truyện. Dù vậy, hầu như truyện nào cũng lôi cuốn, hấp dẫn, bởi sự đan xen khéo léo khi là giọng kể của người dẫn chuyện - tác giả, khi là giọng kể của các nhân vật.
Sau phần “mào đầu” của mỗi giọng kể/ người kể luôn là một “bức màn sương khói” được mở ra, được vén lên từ từ, chậm rãi. Chậm theo kiểu: “Vuốt chòm râu bạc, ông cố túc tắc dắt Sang ngược dòng thời gian trở về cái làng Thanh Lâm của một thời xa lắc xa lơ” (Vây hội ngày xuân); “Ngồi trước hiên nhà, bà cụ Quý vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa kể chuyện bà Nhìu cho tôi nghe” (Bà Nhìu).
Sự chậm rãi ấy, xem ra là phù hợp với các nhân vật/người kể chuyện, nhưng cũng có thể nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả. Bởi sau những cái mở đầu khoan thai ấy, diễn tiến sau đó thường là dồn dập, kịch tính, cùng với đó là những số phận đặc biệt vì sự kỳ lạ và cả trớ trêu.
Theo sau quá trình “vén màn” chậm rãi là những câu chuyện giàu chi tiết được ráp nối có chủ ý đủ để gây tò mò, hồi hộp, đủ để thuyết phục người đọc không gấp sách lại nửa chừng. Để rồi, cho đến khi và chỉ khi đọc đến dòng cuối cùng của mỗi truyện, mới thấy những gì lần lượt hiện ra theo trình tự vén mở của “bức màn” mới chỉ là phần nổi, còn đằng sau chúng là bao nhiêu điều đáng nghĩ, đáng nói nữa.
Như ở các truyện “Gánh tuồng bà Hân”, “Vây hội ngày xuân”, đó không chỉ là chuyện kể về những tập tục, những sinh hoạt văn hóa một thời mà còn là những thảng thốt trước sự vần xoay của cuộc sống, những ước vọng đẹp về đề tài muôn thuở của con người: tình yêu. Trong các truyện “Bà Nhìu”, “Chuyện quê một thuở”, “Người của một thời”, “Bốn Xiềng lập dị”, “Hậu duệ xóm Chồi”, “Kỳ nhân của làng”, sau những buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, được mất của mỗi phận người còn là chuyện của cả cộng đồng, của cả một vùng đất rộng lớn với bao biến thiên, chìm nổi...
Với những không gian truyện tương đối hẹp, có thể nhận diện được trên thực tế qua các địa danh có thật hoặc các địa danh đã được “mã hóa”, cộng với ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói của các nhân vật, có thể thấy “Sau bức màn sương khói” là một hiện thực ngồn ngộn, gần gũi đã và đang diễn ra đâu đó chung quanh mỗi chúng ta.
Chân dung cuộc sống thật hơn, sống động hơn, đời hơn... khi ở từng thiên truyện, chúng được dựng lên phong phú, được đặc tả thông qua nhiều sự việc, sự kiện, số phận khác nhau với những đau thương, buồn vui, hạnh phúc, hy vọng... Có lẽ vì thế mà tập truyện ngắn “Sau bức màn sương khói” của Nguyễn Tam Mỹ trở nên đầy đặn và nhân văn.