“Thu Bồn - nhà thơ trữ tình đất Quảng” (*) là tập chuyên luận văn học khá dày dặn của Nguyễn Kim Huy. Với hơn 200 trang sách khổ 14,5x20,5cm “Nguyễn Kim Huy dẫn dắt người đọc cảm nhận cuộc đời và sáng tác của Thu Bồn nhẹ nhàng, suôn sẻ như thể dòng trôi êm êm của con sông Thu Bồn vào những ngày thu đẹp” (Mai Bá Ấn). Đó là sự thành công của Nguyễn Kim Huy khi từ địa hạt thi ca “nhảy qua” địa hạt phê bình văn học. Và sự thành công của anh đã được Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương ghi nhận và trao tặng giải C cho tập “Thu Bồn - nhà thơ trữ tình đất Quảng” năm 2013.
Khái quát cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Thu Bồn bằng bảy đề mục gói gọn trong ba chương sách, nhưng Nguyễn Kim Huy đã nói lên được những gì cần nói về một nhà thơ tài hoa của quê hương.
Nguyễn Kim Huy viết về thời thơ ấu cũng như những ngày đầu tham gia cách mạng rồi trở thành nhà thơ - chiến sĩ của Thu Bồn bằng giọng văn như thể tâm tình nên có sức hấp dẫn lôi cuốn người đọc. “Bài ca chim chơ rao” là trường ca đã làm nên tên tuổi Thu Bồn ngay sau khi Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam. Ông viết trường ca ấy trong ánh lửa lồ ô bập bùng ở làng Đêpapơlêch. Và tác phẩm này đã được trao Giải thưởng văn học quốc tế Bông sen của Hội Nhà văn Á - Phi. Nguyễn Kim Huy qua tập chuyên luận của mình không những cung cấp cho người đọc một hàm lượng lớn thông tin về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Thu Bồn, mà còn đi sâu phân tích về “cái tôi trữ tình hào sảng và lãng mạn”, “cái tôi trữ tình đậm đà chất Quảng” và “tư duy thơ Thu Bồn”. Thơ và trường ca Thu Bồn luôn “mang đậm tinh thần nhân văn thời đại”. Lý giải về điều đó, Nguyễn Kim Huy viết: “Là người con của mọi miền quê hương đất nước, Thu Bồn luôn nhận thức sâu sắc về một quê hương rộng lớn, bao gồm nhiều miền đất (…) chung một mơ ước về một ngày mai hòa bình tươi sáng”.
Đất Quảng tự hào là nơi đã sản sinh ra nhà thơ Thu Bồn. Ông là nhà thơ lớn với tư duy thơ hiện đại. Bởi ông biết “kế thừa chọn lọc và phát huy sáng tạo các thể thơ truyền thống”, biết “khơi nguồn thơ văn xuôi” với những cách tân về nội dung cũng như hình thức thơ. Vì vậy, ông có một giọng điệu thơ riêng mà qua khảo sát thơ ông, Nguyễn Kim Huy khẳng định: “… “khí chất thơ” miền Trung - Tây Nguyên nói chung và xứ Quảng nói riêng, mang đầy âm hưởng sóng gió, bão tố của một miền đất dữ dội khắc nghiệt nhưng cũng rất thơ mộng hùng tráng phóng túng về cả tự nhiên lẫn lịch sử “giữa hai tọa độ” của nó đã đậm đặc và trở thành nét chủ đạo trong giọng thơ Thu Bồn”. Giọng thơ ông đã làm nên phong cách thơ ông. “Đó là cái tôi trữ tình phóng khoáng vạm vỡ, dữ dội cuộn xiết đầy tinh thần lạc quan và niềm tin”. “Và đó cũng là cái tôi trữ tình mênh mông say đắm và khát vọng yêu thương, và vô tận cô đơn đến mức nâng cô đơn lên thành một triết lý với những chiêm nghiệm sâu sắc, với những khát vọng được giao cảm, được sẻ chia đến khắc khoải”.
Với tập chuyên luận văn học của mình, Nguyễn Kim Huy đã tái hiện chân dung thơ Thu Bồn khá thành công. Những ai yêu mến nhà thơ Thu Bồn, bên cạnh tập “Thu Bồn - thơ và trường ca” (NXB Đà Nẵng - 2003), có thêm tập chuyên luận “Thu Bồn - nhà thơ trữ tình đất Quảng” của Nguyễn Kim Huy sẽ làm thành một bộ sách quý về ông.
LÂM BÌNH THÁI
(*) Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2011.