Vốn liếng là điều kiện cần để dịch chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn với hình thức trang trại áp dụng an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi tạo mang lại giá trị cao cho nông dân.
Những đầu tư hiệu quả
Hộ ông Trần Viết Thuận (thôn Phương Nghệ, xã Quế Phú, Quế Sơn) có nguồn thu nhập 1 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện 2 vụ nuôi heo an toàn sinh học (ATSH). Từ nguồn vốn vay của LienVietPostBank Quảng Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, ông Thuận đầu tư trang trại nuôi heo trị giá 2,3 tỷ đồng, với hệ thống điện, nước, xử lý nước thải…
Ông Thuận đã liên kết với Công ty TNHH Thái Việt để nuôi 1.000 con heo mỗi vụ, cứ sau 5 tháng thì xuất bán. Doanh nghiệp bao tiêu con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi ATSH; ông Thuận áp dụng và cung cấp trở lại heo thương phẩm.
“Tôi nuôi heo theo phương thức ATSH để chủ động phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ, không cho người lạ ra, vào khu vực chuồng nuôi. Công nhân phải ăn, ở tại trại, không đưa thực phẩm tươi sống từ ngoài vào trại. Trước đây tôi nuôi heo nhỏ lẻ, chuyển qua cách đầu tư quy mô lớn, ứng dụng thành công quy trình ATSH đem lại lợi nhuận cao” - ông Thuận nói.
Vợ chồng chị Xa Thị Oanh Đa (thôn Đức Phú, xã Tam Thạnh, Núi Thành) cũng là điển hình thu được giá trị kinh tế khá với mô hình nuôi heo ATSH. Từ vốn vay, chị Đa đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi heo trên khu đất vườn đồi rộng 500m2 .
Ban đầu chị Đa mua 10 con heo nái giống GF từ tỉnh Đắc Lắc về nuôi, sau khi heo đẻ, vỗ béo heo con thành heo thịt và xuất bán. Sau 4 tháng nuôi, heo thịt có trọng lượng khoảng 1 tạ hơi thì xuất bán với giá mỗi con 6-7 triệu đồng. Trừ chi phi, mỗi năm, vợ chồng chị Đa thu lãi hơn 200 triệu đồng.
“Nuôi heo ATSH nhất thiết chuồng trại phải thoáng mát, sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên 2 lần mỗi ngày. Chúng tôi xây nhiều sàn, ô chuồng, 7 sàn dành cho heo đẻ, 30 ô dành cho heo nái, 20 ô dành cho heo mới nuôi, 10 ô cho heo thịt. Rất phấn khởi với hiệu quả bước đầu thu được” - chị Đa nói.
Theo nhận định của Chi cục chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT), nuôi heo nói riêng, chăn nuôi khép kín theo hướng ATSH là xu hướng tất yếu bởi khắc phục được nhiều hạn chế của phát triển chăn nuôi theo bề rộng.
Ưu điểm nổi bật là quản lý, kiểm soát chặt được các yếu tố đầu vào từ con giống, cách thức nuôi, thức ăn, vật tư nông nghiệp nên khống chế các rủi ro, nhất là mầm bệnh, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, đem lại lợi nhuận ổn định.
Khơi nguồn vốn
Vòng luẩn quẩn bấy lâu nay là trên địa bàn tỉnh chưa nhiều hệ thống chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. Sản xuất chăn nuôi chưa gắn kết thành chuỗi với giết mổ, chế biến mà chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi sống nên giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định.
Người tiêu dùng hiện tại cũng chưa có điều kiện để xác định sản phẩm “sạch” và “không sạch” nên chưa có sự chênh lệch về giá bán làm cho người chăn nuôi theo hướng ATSH băn khoăn, chưa mặn mà để thay đổi phương thức. Thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là giá thức ăn tăng cao cũng làm người chăn nuôi phải đắn đo khi chuyển sang chăn nuôi bài bản, khoa học.
Theo Sở NN&PTNT, để nhân rộng chăn nuôi ATSH, một mặt, ngành khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, tuyên truyền vận động để người nông dân chuyển biến nhận thức, thay đổi cách đầu tư, mặt khác, cần chính sách hỗ trợ, đặc biệt là tín dụng ưu đãi, từng bước hình thành vùng chăn nuôi ATSH tập trung, qua đó, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Đình Khánh - Giám đốc LienVietPostBank Quảng Nam cho rằng, nông nghiệp chăn nuôi là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Dựa trên góc độ cung - cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, đơn vị triển khai gói cho vay chăn nuôi theo chuỗi giá trị là cách tiếp sức cho hoạt động sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo dấu ấn tín dụng của ngân hàng.
Với đặc thù của mình, Agribank Quảng Nam đang dốc sức đưa dòng tiền vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank Quảng Nam khẳng định, cho vay phát triển chăn nuôi ATSH, chăn nuôi tập trung theo chuỗi giá trị không chỉ giúp thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn mà còn góp phần cải tiến các phương thức sản xuất, canh tác nông nghiệp truyền thống theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa sâu, nâng cao hiệu quả sản phẩm đáp ứng thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu.