Gần 10 năm kiên trì xây dựng và phát triển trang trại chăn nuôi sạch theo định hướng của riêng mình, đến nay anh Nguyễn Ba (xã Quế Châu, Quế Sơn) đã đạt được những kết quả ban đầu, sản phẩm heo thảo mộc của anh vừa được gắn sao chứng nhận OCOP.
Thách thức cũng là cơ hội
Tốt nghiệp Trường Đại học nông lâm TP.HCM chuyên ngành bác sĩ thú y, năm 2009 anh Nguyễn Ba trở về quê triển khai mô hình trang trại chăn nuôi gà. Với ý tưởng đưa thảo mộc vào thức ăn chăn nuôi nhằm thay thế kháng sinh, tạo ra sản phẩm thịt gia súc, gia cầm chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, ngay từ khâu thức ăn, chọn con giống, cách chăm sóc, môi trường sống… đều được anh chăm chút chu đáo. Sản phẩm làm ra luôn được thị trường đón nhận tích cực.
Năm 2012 anh Ba mở rộng mô hình sang chăn nuôi heo. Để thích ứng với khí hậu nóng bức miền Trung, anh xây dựng trang trại diện tích 17.000m2, không theo hướng bê tông hóa mà xen kẽ khu vực chuồng trại với rất nhiều cây xanh, tạo không gian thoáng mát cho gia súc, công suất trang trại 100 con nái và 2.000 tấn thịt/năm.
Để thịt có chất lượng ngon, trong quá trình chăn nuôi, anh trộn hỗn hợp thảo mộc (gừng, tỏi, nghệ, quế, sả...) vào thức ăn, đồng thời pha nước chè xanh vào nước uống để tăng kháng thể cho heo. Nhờ nuôi theo hướng tự nhiên, thành phẩm heo thảo mộc với thương hiệu Pig Eco luôn thơm ngon và hoàn toàn không có kháng sinh trong thịt.
Năm 2017, giá thịt heo lao dốc khiến nhiều hộ chăn nuôi đứng ngồi không yên. Sau đợt đó anh Ba suy nghĩ, phải xây dựng một quy trình khép kín từ chăn nuôi, chế biến đến phân phối sản phẩm ra thị trường mới có thể đảm bảo chăn nuôi bền vững. Ban đầu, anh bắt tay đầu tư xây dựng cơ sở chế biến tại Đà Nẵng để tiếp cận thị trường phân phối bán lẻ nơi đây.
Đến nay, mỗi ngày trang trại anh cung cấp ra thị trường gần 100 con gà thả đồi và vài tạ heo thịt sau chế biến. Ngoài hai dòng sản phẩm chính heo thảo mộc (Pig Eco) và gà thảo mộc (Chic Eco), cơ sở anh Nguyễn Ba còn sản xuất thành công các dòng thực phẩm chế biến như giò, nem, chả... Những sản phẩm này hiện đã có mặt tại các kênh siêu thị, hệ thống siêu thị gia đình, các trường mầm non chất lượng cao trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam.
“Hiện dịch tả heo châu Phi bùng phát, theo tôi đây vừa là nguy cơ nhưng cũng mở ra cơ hội lớn nếu trang trại đưa ra những biện pháp ứng phó tốt, giữ trại thành công trước dịch bệnh” - anh Ba chia sẻ. Những ngày này, anh đang cấp tốc tăng cường các biện pháp kiểm soát vệ sinh chuồng trại, tăng cường sức đề kháng gia súc bằng cách tăng gấp đôi lượng thảo mộc trong thức ăn, mở rộng hệ thống trang trại vệ tinh phân bố ở nhiều nơi, giảm áp lực lên trại chính, đề phòng rủi ro dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Liên kết chuỗi trong chăn nuôi
Đã có quy trình khép kín và thị trường tiêu thụ ổn định, anh Nguyễn Ba mạnh dạn đầu tư mô hình liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Mới đây, trang trại của anh phối hợp cùng hợp tác xã, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã Quế Châu hỗ trợ 15 hộ dân tại địa phương thực hiện liên kết chăn nuôi gà thảo mộc.
Để thực hiện mô hình này, các hộ dân đủ điều kiện về đất đai, chuồng trại sẽ được Nhà nước hỗ trợ một số vốn ban đầu. Riêng trang trại anh Ba sẽ cung cấp 400 con giống/hộ, cùng thức ăn, chế phẩm thảo mộc, cử nhân viên đến tận nơi hướng dẫn bà con quy trình và kỹ thuật chăn nuôi an toàn, đồng thời chịu trách nhiệm tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các hộ dân tham gia.
“Sự lựa chọn này phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay là nâng cấp mở rộng quy mô chăn nuôi và giảm thiểu rủi ro khi có dịch bệnh xảy ra. Điều cần thiết để tạo nên sự thành công của mô hình là người dân cần tin tưởng và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng” - anh Ba nói.
Theo ông Lương Trọng Yến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Châu, trước tình hình chăn nuôi còn nhiều rủi ro, biến động như hiện nay, trong điều kiện nông dân còn thiếu vốn sản xuất, không có đầu ra ổn định thì việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với trang trại anh Nguyễn Ba sẽ tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, phát triển chăn nuôi tập trung, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng và có sức cạnh tranh trên thị trường.
“Bản thân nông dân địa phương chỉ cần có đầu vào tốt và đầu ra ổn định để yên tâm phát triển. Trong khi đó, trang trại của anh Nguyễn Ba có một quy trình ổn định và kỹ thuật chăn nuôi tốt, nên sẽ đem lại hiệu quả cao cho mô hình chăn nuôi của người dân” - ông Yến kỳ vọng.