Chẳng còn phải lụy đò giang

LÊ TRÂM 01/10/2016 08:50

1. Nhà tôi ở bên sông nên cuộc đời gần như gắn liền với những chuyến ghe, đò đưa qua sông. Hồi học tiểu học ở quê nhà, trường nằm tít bên tê sông nên mỗi ngày phải hai bận đi - về. Nếu không nhờ những chuyến ghe của bất kỳ phụ huynh của đứa nào đó trong bọn cùng học đưa đi, đón về mỗi ngày có khi bây giờ một chữ i tờ tôi chẳng nhận ra. Hai năm học trường làng, những chuyến đò cứ thế trở thành quen thuộc. Rồi chiến tranh nổ ra. Bạn bè tan tác mỗi đứa mỗi phương. Đứa lên núi vào lực lượng tỉnh đội, huyện đội, đứa tham gia chủ lực Miền. Có đứa chỉ tham gia sản xuất cho đến tận ngày thôi tiếng súng. Có đứa quẩn quanh vào du kích, bám làng. Có đứa chạy qua bên kia sông, làm đủ thứ nghề. Có cả mấy đứa làm lính Sài Gòn. Tất thảy đều bỏ học. Những chuyến ghe đò qua về chẳng còn mấy ý nghĩa giữa trời đạn bom. Có khi, cần thì cởi áo quần bơi đại qua sông. May mà chưa có đứa nào trôi theo dòng nước xiết. Nhưng hy sinh ở chiến trường thì nhiều. Hết đứa này đến đứa khác. Cho đến tận ngày đất nước thống nhất. Có đứa may mắn theo gia đình vào thành phố tiếp tục học. Tôi may mắn được tiếp tục đi học giữa muôn vàn cơ cực của những đứa bạn cùng trang lứa. Nhiều bữa nhớ nhà quá lại ra đứng tần ngần bên bờ sông Bạch Đằng (bây giờ người ta gọi với cái tên mỹ miều: Sông Hoài) ngóng qua bên bờ Cẩm Kim xa lơ xa lắc. Vượt khỏi những sóng nước, những làng xóm, có khi đã tan hoang, những cánh đồng ngút trời cỏ dại, thêm mấy bận đò đưa nữa, là về tới quê nhà. Có anh bạn học lớp trên không biết đã yêu ai ở bên tê sông kia mà làm mấy câu thơ đọc nghe buồn nẫu ruột: Thuyền về Xuyên An, thuyền qua Xuyên Thái/ Sao chở cho vừa một chuyến tình ta? (Hoài Anh). Tôi, hồi ấy, tình thì chưa kịp có để vắt vai nhưng nỗi buồn tha hương chừng như đã chất nặng lòng mình lắm! Rồi cũng liều một chuyến rời bờ đi qua bên tê sông ấy. Bước khỏi con đò, lên bến rồi loay hoay chẳng biết đi về đâu, ngẩn ngơ một lúc rồi quay trở lại đò, kết thúc một chuyến sang sông không thể cắt nghĩa được vì sao lại thế.

Cũng ở bến đò ấy, một lần ông ngoại xuống nhà tôi. Tôi không nhớ vì sao ngoại lại đi chuyến ấy, chuyến đi duy nhất, một chuyến đi bằng ghe nhà đơn giản đan bằng tre vô cùng nguy hiểm bởi ngày ấy chiến sự xảy ra bất cứ lúc nào, cái chết xảy đến bất kỳ lúc nào. Hay chỉ đơn giản vì ngoại quá nhớ bọn tôi? Bọn tôi đón ngoại ngay ở bến đò ấy. Tôi còn nhớ ngoại mặc quần đùi áo cánh, đầu đội chiếc nón cời, chân đi đất. Tôi ngỡ ngàng bởi khá lâu không gặp ngoại. Ngoại không nói gì, chỉ ôm tôi vào lòng và khóc. Những giọt nước mắt đàn ông thấm ướt cả vai áo tôi. Mới tám, chín tuổi tôi chẳng hiểu vì sao ngoại lại khóc, bởi ông cháu gặp được nhau như thế này thì phải vui chứ. Tôi nhớ, dù không hiểu gì, tôi cũng úp mặt vào ngực ngoại mà khóc một thôi một hồi. Ghé chơi đâu chừng một, hai tiếng đồng hồ gì đó thì ngoại lại bước xuống ghe, trở về quê. Tôi khóc đòi đi theo, ba tôi phải dỗ dành hồi lâu tôi mới chịu nín khóc. Nhưng, lòng buồn nhão khi cứ đứng như thế dõi theo chiếc ghe nhỏ bé của ngoại chập chờn giữa bốn bề sông nước. Cho đến khi khuất hẳn.

2. Sau này, khi đã đi làm việc, không ít lần gắn bó với những chuyến đò, cả đò dọc lẫn đò ngang. Đò dọc chỉ là đoạn từ bến đò Nông Sơn lên bến Khánh Bình hoặc xa hơn chút nữa là chặng Nông Sơn - Phú Gia mỗi lần đi kiểm tra các trường vùng tây của huyện. Hồi ấy, đường qua truông từ bến Cà Tang lên Khánh Bình còn rất khó đi, vì thế nếu không vội thì phần lớn đều phải đi bằng đò. Lên đến Phú Gia có khi gần hết cả buổi đò. Muốn nên thơ thì đã có các chuyến qua lại giữa Trung Phước với Đại Bình. Có một sự mặc định bất thành văn và bất kể lý do, cứ mỗi lần lên Trung Phước là phải qua Đại Bình cho được! Khi thì ghé chơi nhà mấy người bạn, khi thì đi kiểm tra phân hiệu tiểu học bên ấy, vui thì ở lại đêm. Có khi chỉ đi một cách vô cớ, loanh quanh đâu đó quanh làng rồi xuống đò trở về lại Trung Phước, mà hồi ấy không dễ gì qua lại một chuyến Trung Phước - Đại Bình đâu! Giờ nghĩ lại nhiều khi cái sự vô cớ lại quá kỳ công(?). Còn một chuyến đò nữa nối giữa Quế Phước và Quế Lâm, qua bến đò Tý lở. Sau khi kiểm tra trường Quế Phước từ phân hiệu chính - Phú Gia - muốn đi kiểm tra Quế Lâm phải qua con đò này. Cái bến đá chênh vênh, nghiêng nghiêng từ bờ đất đổ xuống mép nước thật khó khăn mỗi lần lên xuống đò. Chính ở bến đò này, một cô bé đẹp nổi tiếng vùng Tý Sé đã bị chìm đò chết ở ngay bến sông. Khi ấy cô bé mới chỉ vừa chớm mười sáu tuổi! Nghe nói rằng khi chôn cất cô bé lại đúng kỳ nước lũ xuống nên đám tang đã diễn ra một cách bi thương khôn kể! Từ Sé muốn qua trường chính bên Tý bồi cũng thêm một chuyến đò nữa, bến đò Sé, nối hai bờ của  Khe Sé. Đi kiểm tra phân hiệu Đá Ngang trên Quế Lâm I phải thêm một phiên đò nữa nối Tý lở và Đá Ngang khá xa và nguy hiểm. Buổi chiều, khu vực này hay trở gió nên chỉ có những người chèo đò thiện nghệ mới dám cầm lái. Đi mấy cung đoạn này mới thật thấm thía thế nào là đò giang cách trở! Biết bao nhiêu bến đò trải dọc nguồn sông Thu này. Nghĩa là từ trung tâm huyện lỵ Quế Sơn đến được xã  cuối cùng của huyện, tỷ lệ đi xe đạp và đi đò cũng gần đến 50/50.

Học sinh làng Đại Bình trên đường đến trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Học sinh làng Đại Bình trên đường đến trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hướng tây nam của huyện chỉ một con đò Tân An vượt qua sông Tranh, đoạn đầu nguồn của sông Thu Bồn. Hướng này chủ yếu đi để kiểm tra các trường thuộc xã Quế Bình và Quế Lưu. Đây là bến phà lớn dành cho cả ô tô các loại nên việc qua lại khá thuận tiện. Tuy vậy, việc chờ cho đến phiên qua sông cũng cách rách vô cùng, nhưng dù sao cũng thuân lợi hơn vùng Trung  Phước - Ninh - Lâm nhiều.

3. Bây giờ thì cầu Tân An nối Quế Bình qua thị trấn huyện lỵ đã là chiếc cầu có quy mô lớn của quốc lộ 14E, cho nên cảm giác về một chuyến đò năm xưa chẳng còn lưu lại chút gì trong ký ức. Cánh Nông Sơn, khi con đường phía bắc sông Thu Bồn từ mỏ than Nông Sơn chạy lên Quế Lâm hình thành, đồng thời tuyến đường qua truông nối Cà Tang - Khánh Bình được nâng cấp thì mấy tuyến đò dọc bị xóa sổ hẳn. Tuyến đường ven sông nối Nông Sơn với Đại Bình cũng khiến số người qua đò đi Đại Bình giảm hẳn, bởi chỉ cần vòng lên hướng cầu Nông Sơn vài cây số có thể tới Đại Bình khỏi phải chờ đợi đò giang chi cho mất công. Ở Quế Lâm, cầu bắc qua Khe Sé làm mất hẳn bến đò Sé. Cầu treo phía đầu làng Tý lở bắc qua sông Thu Bồn cũng xóa bến đò Tý lở vô cùng nguy hiểm ngày nào. Từ đầu nam của chiếc cầu treo cũng có thể men theo mép sông tuy đường đi còn khó khăn tí chút nhưng cũng có thể chủ động lên xuống Đá Ngang bất cứ lúc nào. Chừng như những cây cầu, những cung đường mới đã xóa sổ hẳn các chuyến đò trên sông, đưa tất cả vào ký ức!

4. Mất đi cảm giác qua một chuyến đò ngang trong một buổi chiều hoặc thơ mộng hơn, trong một đêm trăng thật sáng như từ Trung Phước qua Đại Bình hay đi dọc sông Thu Bồn đoạn Cà Tang - Khánh Bình kể cũng thật tiếc! Có thể dễ dàng thuê một chiếc tàu để đi tuyến ấy nhưng chắc chắn cảm giác đò giang khó có thể đem lại cảm nhận một cách trọn vẹn. Cái câu “Qua sông thì phải lụy đò” chính xác đã là một câu ca rất xưa rồi.

Nhiều khi đứng bần thần trước một bến đò cũ bỗng dưng thèm cất lên một tiếng gọi: Đò ơi! Như trong một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết vào cuối thế kỷ trước. Bây giờ lại thích được một lần lụy đò giang, lạ thế!

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chẳng còn phải lụy đò giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO